Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

18 huyện, thị xã Hà Nội:

Sẵn sàng đón học sinh tiểu học, lớp 6 đến trường buổi đầu tiên

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày mai (10/2), học sinh cấp tiểu học và lớp 6 ngoại thành Hà Nội sẽ đến trường học trực tiếp. Về phía nhà trường và thầy cô giáo, công tác chuẩn bị đón học sinh đã sẵn sàng; các phụ huynh cũng lên kế hoạch về thời gian, công việc để đưa đón con đi học.

Cẩn trọng từ khâu nhỏ nhất

Sở GD&ĐT Hà Nội gọi đợt tổ chức đến trường lần này là đợt 1 của đối tượng từ lớp 1 đến lớp 6 bởi từ ngày 10/2, mới chỉ cho học sinh ở vùng 1, 2 thuộc 18 huyện ngoại thành đến trường. Với cấp THCS, lần này sẽ đón thêm học sinh khối 6. Số lượng học sinh, lớp học nhiều hơn nên các trường THCS đã chủ động phân công bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh lúc đầu giờ, cuối giờ.

Các nhà trường tiểu học ngoại thành đã hoàn tất khâu chuẩn bị đón học sinh
Các nhà trường tiểu học ngoại thành đã hoàn tất khâu chuẩn bị đón học sinh

Vì học sinh khối 6 chưa một lần được đến trường kể từ đầu năm học nên còn chưa nắm được quy tắc, nguyên tắc, nội quy, sơ đồ lớp học, phòng chức năng, các hoạt động của trường nên các trường THCS cũng dành nhiều sự quan tâm cho các em. Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) Bùi Tố Hoa cho biết, các con chưa biết vị trí lớp học nên nhà trường đã gửi sơ đồ lớp, trường cho giáo viên chủ nhiệm để gửi phụ huynh và nhắn nhủ các em về khu vực lớp mình học, tránh tình trạng vào nhầm lớp hoặc tìm lớp không thấy. Ngoài việc dặn dò, tuyên truyền với học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng tổ chức họp phụ huynh thống nhất nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng dịch, phối hợp phụ huynh trong nắm bắt, chăm sóc sức khỏe của các em và triển khai ký cam kết thực hiện “một cung đường, hai điểm đến”.

Sau khi có thông báo học sinh được đi học trở lại, trường Tiểu học Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã chủ động tổng vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, xây dựng kế hoạch giảng dạy, đảm bảo điều kiện sẵn sàng đón học sinh. Đặc biệt nhà trường đã triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của các cấp ngành đến toàn thể cán bộ, viên chức, học sinh và phụ huynh thông qua các phương tiện liên lạc như: Hộp thư điện tử, nhóm Zalo, Facebook, website….

Để đón hơn 1.000 học sinh quay trở lại, nhà trường thực hiện phân làn đón học sinh và phân công lịch trực cụ thể cho giáo viên. Sơ đồ đón phân làn đã được gửi đến từng lớp để thông báo cho phụ huynh nắm rõ quy trình, đi đúng làn, đúng cổng nhằm đảm bảo an toàn, trật tự. Sáng 10/2, trường sẽ mở cổng chính, cổng phụ và phân lối đi cụ thể cho từng lớp để hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Phụ huynh gạt băn khoăn

Học sinh từ tiểu học đến lớp 6 chưa được tiêm vaccine, đây là lí do khiến không ít phụ huynh còn lo lắng, ngập ngừng khi cho con đi học. Tuy nhiên, sau khi phân tích và thấy được những điểm tích cực của đi học trực tiếp cùng việc lắng nghe nguyện vọng, mong muốn của con, hầu hết bố mẹ đều gạt băn khoăn sang một bên; chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc, sách vở để sớm 10/2 sẽ đưa con đi học.

Với nhiều trường ngoài công lập đóng tại ngoại thành, do có học sinh cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau và nhà trường có tổ chức xe tuyến đón đưa nên công tác chuẩn bị sẽ cần nhiều bước chặt chẽ hơn; từ bố trí xe, lập danh sách học sinh có nhu cầu đi xe, điểm đưa đón và đặc biệt là khảo sát, rà soát xem khu vực cư trú của học sinh thuộc vùng nào; nếu ở khu vực 3, 4, học sinh sẽ ở nhà học trực tuyến.

Công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm túc tại các nhà trường
Công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm túc tại các nhà trường

Cô Trần Thị Thùy Linh, giáo viên một trường tiểu học tư thục thuộc huyện Thanh Oai cho hay, từ khi nhận thông báo của nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm đã tất bật nhiều phần việc để đón học sinh trở lại. Vì các con còn nhỏ nên cô phải liên tục dặn dò, truyền thông điệp đến trường vui vẻ và an toàn đến các con. Theo cô Linh, đây là khoảng thời gian quan trọng và nhiều khó khăn để thiết lập những thói quen mới, hoà nhập với nhịp sống mới, vì vậy thầy cô rất mong sự đồng hành tích cực của phụ huynh với nhà trường và các con để không chỉ giúp các con yêu thích đến trường, say mê học tập mà còn nâng cao ý thức phòng dịch, giữ gìn sức khỏe cho bản thân một cách tối đa.

Có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Đồng Tân (huyện Ứng Hòa), anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mấy ngày trước anh rất ngại cho con đi học, thậm chí đã định cho con học trực tuyến tại nhà. Nhưng rồi nghĩ đến việc con có biểu hiện ngại nói, khó diễn đạt, hay cáu gắt, nghiện điện thoại… vì ở nhà quá lâu, anh đã thay đổi. Để yên tâm hơn, anh mua nhiều kit kiểm tra Covid- 19 và đã thử cho con. “Bố mẹ đi làm rồi lại giao lưu, tiếp xúc khắp nơi; Tết cũng đi thăm bạn bè, họ hàng nhiều nên khi kiểm tra cho con, thấy kết quả âm tính tôi cũng thấy yên tâm. Nếu các phụ huynh đều thử Covid- 19 cho con tại nhà trước khi đến lớp, song song việc kiểm tra thân nhiệt và đeo khẩu trang đầy đủ, tôi nghĩ sẽ ổn hơn nhiều; không những vậy còn góp phần phát hiện và hạn chế tình trạng lây nhiễm Covid- 19 trong trường học”- Anh Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.

Thời điểm này, cùng với các trường THCS, các trường tiểu học vùng ngoại thành đủ điều kiện đã được vệ sinh sạch sẽ, chỉnh trang khuôn viên, cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, sẵn sàng kế hoạch đón học sinh trở lại từ sáng 10/2. Vì còn nhỏ tuổi, phần lớn chưa thể tự di chuyển được nên ngoài chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo an toàn, xử lý tình huống phát hiện F0 trong trường học, các nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn, phân luồng phụ huynh, tránh việc tụ tập đông người gây ách tắc giao thông ở khu vực cổng trường vào thời gian trước và sau buổi học.

 

“… Việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh rằng, việc đưa các em học sinh quay trở lại trường học không lệ thuộc vào việc đã tiêm hay chưa tiêm vaccine. Đó là khuyến cáo của UNICEF, là ý kiến của các chuyên gia y tế, của Bộ Y tế và đánh giá qua thực tiễn chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, qua việc ứng phó thành công một số ổ dịch trong trường học ở Bắc Giang, Thanh Hoá…”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.