Năm nay do số lượng HS tăng so với năm trước, nên các quận, huyện đã xây mới 74 trường học, bổ sung 1.597 phòng học, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh chia sẻ: Quận đã đầu tư thêm 33 phòng học khối tiểu học, 23 phòng học THCS và cải tạo sửa chữa 8 trường. Phòng GD&ĐT quận cũng tập hợp nhu cầu của các trường về đồ dùng phục vụ giảng dạy như máy tính, máy chiếu, bàn ghế và đề xuất quận cấp hơn 13 tỷ đồng để trang bị, kịp thời phục vụ năm học mới.
|
Giờ lên lớp của các bé trường Mầm non Ánh Sao, quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công |
Tại quận Hoàng Mai, trong quá trình cải tạo xây dựng cơ sở vật chất các nhà trường, lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm đến nhà vệ sinh. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho hay: Quận đã có cuộc tổng kiểm tra nhà vệ sinh của các trường với sự vào cuộc rất quyết liệt của Phó Chủ tịch quận. Đến nay, nhiều trường đã nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh, điển hình như trường THCS Giáp Bát, THCS Đền Lừ...
Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn khai giảng và tổ chức một số hoạt động đầu năm học 2018 – 2019. Theo đó, lễ khai giảng thống nhất tổ chức vào ngày 5/9, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút, gồm các hoạt động: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS nhân ngày khai trường. Sau khi hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường, sẽ là các hoạt động tập thể. |
Khảo sát của phóng viên tại trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy) cho thấy, tuy trường mới được đưa vào sử dụng năm học 2017 – 2018, nhưng tháng 8 vừa qua nhà trường đã bổ sung các thiết bị phục vụ cho công tác bán trú. Cùng với đó, rà soát tất cả các đồ dùng, thiết bị và bổ sung mới do năm nay tăng thêm 5 lớp nâng tổng số thành 18. “Nhà trường đã đầu tư dàn cây treo ở hiên cho 24 phòng học; hỗ trợ giáo viên trang trí, tạo môi trường, khung cảnh chuẩn bị đón năm học mới. Vườn cây trong sân trường cũng được cải tạo để tạo khung cảnh trong và ngoài lớp học sáng – xanh – sạch – đẹp” – Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao Đào Ngọc Oanh cho hay.
Chú trọng bồi dưỡng giáo viênĐể nâng chất lượng dạy và học, nhất là khi số lượng HS tăng, các quận, huyện của Hà Nội đều chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh cho hay: “Chúng tôi ưu tiên đặc biệt HS đầu cấp, nhất là lớp 1. Các trường tiểu học khi tuyển sinh lớp 1 xong, tổ chức ngay chuyên đề cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm; lựa chọn giáo viên cứng, tâm huyết xuống cổng trường đón – trả HS”. Ngoài điều động giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở GD&ĐT tổ chức, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cũng tham mưu với Quận ủy và UBND quận bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% giáo viên.
Bà Lê Thị Thêu – Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) cho biết, do số lớp học tăng, nên nhà trường đã có kế hoạch tìm nguồn giáo viên chủ nhiệm để đáp ứng và bồi dưỡng chuyên môn từ tháng 7 và 8. “Chúng tôi bồi dưỡng công tác chủ nhiệm, đặc biệt là với những người mới vào nghề, giáo viên trẻ. Thứ hai, bồi dưỡng về chuyên môn, giảng dạy. Ví dụ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy các môn, tập huấn ra đề kiểm tra theo Thông tư 22 và hướng dẫn cách sử dụng phần mềm trong quản lý dạy học và cho điểm. Đặc biệt là tập huấn đón – trả HS để đảm bảo an toàn” – bà Thêu thông tin.
Cùng với việc bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, quận Cầu Giấy đặc biệt chú trọng tuyển chọn đội ngũ đáp ứng đủ cơ chế lớp. Với ưu thế trên địa bàn có nhiều trường đại học (ĐH) đào tạo giáo viên, quận tiếp nhận hơn 50 thủ khoa đầu ra, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Thủ đô Hà Nội về giảng dạy cho năm học mới. Phòng GD&ĐT quận cũng kết hợp với 2 trường ĐH tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng cho hiệu trưởng, hiệu phó nội dung quản trị, lãnh đạo nhà trường. Cùng với đó, phối hợp bồi dưỡng chuyên môn, các vấn đề mới trong tiếp cận chương trình mới cho hơn 1.000 giáo viên ở 3 cấp.