Vẫn đảm bảo trang trọng nếu khai giảng online
Các trường học đều chuẩn bị 2 phương án khai giảng: Trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, xét tình hình hiện tại, rất có thể năm nay là năm học đầu tiên, thầy trò tại Hà Nội sẽ cùng nhau thực hiện Lễ khai giảng online.
“Khai giảng trực tiếp tiến hành như thế nào thì khai giảng online cũng thực hiện tương tự như vậy với đầy đủ nghi thức. Học sinh sẽ mặc đồng phục, giữ đúng tác phong, trật tự ngồi trước màn hình; nghiêm trang chào cờ theo nghi thức Đội; cô Phó Hiệu trưởng đọc thư Chủ tịch nước, cô Hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng, đánh trống khai trường…. Để buổi khai giảng sinh động và nhiều màu sắc, nhà trường sẽ lồng ghép nhạc hiệu cùng những tiết mục văn nghệ được thầy cô và học sinh thực hiện trong thời gian giãn cách và dùng công nghệ cắt ghép… , cô Hoàng Thị Yến- Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Còn cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiết lộ: “Có một điều khác biệt tại trường THCS Hoàng Mai, đó là năm học 2021- 2022 là năm học đầu tiên trường THCS Hoàng Mai đi vào hoạt động. Trường hoàn thiện và tuyển sinh trực tuyến đúng giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên học sinh chưa biết trường, lớp. Vì vậy, trong Lễ khai giảng – nếu tổ chức bằng hình thức online thì bên cạnh các nghi thức truyền thống, nhà trường sẽ chiếu một video giới thiệu về tổng thể cơ sở vật chất, các phòng học, phòng chức năng của trường để học sinh biết; từ đó tăng sự phấn khởi và tinh thần học tập trong năm học mới”.
“Nhà trường chuẩn bị rất kỹ các kịch bản đón chào học sinh lớp 6 và Lễ khai giảng bằng cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trước đó, do đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện lớn cũng như Lễ bế giảng trực tuyến nên trường không lúng túng và sẽ cố gắng có một buổi Lễ khai giảng online lắng đọng, đáng nhớ cho các học sinh thân yêu; và hiện các phần việc đã được phân công rõ ràng, cụ thể…”, cô Lê Kim Anh- Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho hay.
Sẵn sàng học online hiệu quả
Theo cô Hoàng Thanh Thủy- Hiệu trưởng THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) thì 2 tuần nay, Ban giám hiệu nhà trường cùng các giáo viên chủ nhiệm có những buổi nói chuyện, kết nối, trao đổi trực tiếp qua Zoom với phụ huynh, học sinh lớp 6 vào thứ 7 hàng tuần để tư vấn, hướng dẫn phụ huynh và học sinh các nội dung cần thiết như SGK, phương pháp học... Bên cạnh đó, nhà trường cũng tiến hành tập huấn cho giáo viên về các phương tiện dạy học trực tuyến, cách thức khai thác kho học liệu điện tử và chú trọng trong tập huấn SGK lớp 6 để các tiết học đạt hiệu quả cao, tạo sự lý thú, lôi cuốn đối với học sinh.
Luôn ở trạng thái chủ động, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh chia sẻ: Trường đã xây dựng khung chương trình năm học, chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn có kế hoạch dạy học bộ môn, nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ lớp 6 năm nay, tiến hành phân công chuyên môn và tổ chức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tổ chức tập huấn SGK mới, xây dựng khung chương trình và thời khoá biểu, rà soát các điều kiện học trực tuyến của học sinh, tập huấn thêm một số phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên… Trường đã tiến hành dạy học đồng bộ trên phần mềm Microsoft Teams nên tích hợp được nhiều tính năng dạy học cũng như việc giao nhận bài tập, chấm điểm.
Đối với việc day và học online, cô Hoàng Thị Yến - Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trường đã xây dựng, điều chỉnh chương trình học, thời lượng phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Các hoạt động giáo dục trải nghiệm ngoài pham vi lớp học được chuyển thành hoạt động trong phạm vi nhỏ (nhóm, tổ) hoặc bố trí thực hiện khi đi học trực tiếp. Riêng với lớp 6, trường tổ chức chương trình gặp mặt, chào đón cha mẹ học sinh và học sinh (trực tuyến) trước khai giảng để giới thiệu về nhà trường, về chương trình, nội quy...; đồng thời tập huấn phần mềm dạy học trực tuyến Microsoft Teams, phần mềm ôn tập Study kèm các quy định dạy học trực tuyến.... để phụ huynh và học sinh sử dụng thành thạo trước khi vào học.
Về băn khoăn đối với học sinh lớp 1 nếu phải học online ngay từ đầu năm học, cô Hoàng Thúy Nga - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: Để khắc phục khó khăn khi học online với học sinh lớp 1, bên cạnh việc lắng nghe chỉ đạo của các đơn vị cấp trên, từ 23/8- 1/9, nhà trường sẽ thiết kế chương trình chào đón học sinh lớp 1 qua Zoom để Ban Giám hiệu, các giáo viên chủ nhiệm làm quen với học sinh, phụ huynh; học sinh được sinh hoạt theo từng lớp giúp quen nền nếp, nội quy, cách thức học online, tạo sự yên tâm cho phụ huynh. Với khối lớp 2- năm nay sẽ học SGK mới; nhà trường đã phân công đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, được tập huấn và tập huấn chuyên đề rất kỹ trước đó. Thời điểm hiện tại, tất cả đã rất sẵn sàng cho năm học mới.
Trước mắt, các nhà trường tại Hà Nội vẫn chờ đợi hướng dẫn của các cơ quan cấp trên nhưng với tinh thần chủ động, linh hoạt của nhà trường; sự sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết của giáo viên; thái độ tích cực trong thích ứng của học sinh cùng kinh nghiệm học online từ thời gian trước nên ngành Giáo dục Thủ đô xác định: Dù học trực tuyến hay trực tiếp thì vẫn quyết tâm đảm bảo mục tiêu an toàn và chất lượng trong năm học mới.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội phê duyệt về khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Theo đó, lịch tựu trường của Hà Nội dự kiến sẽ cơ bản theo khung mà Bộ GD&ĐT ban hành: Ngày 23/8 đối với lớp 1 và ngày 1/9 với các khối còn lại để đảm bảo tiến độ chương trình. Do dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, nên phương án trình UBND TP cũng đưa ra dự kiến sẽ cho học sinh tựu trường và học trực tuyến, khi nào dịch bệnh được kiểm soát mới có thể cho học sinh đến trường trực tiếp. “Tuy nhiên, đây mới là phương án Sở GD&ĐT trình, còn quyết định ra sao sẽ phải chờ UBND TP”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.
“Năm học 2021-2022 sẽ là một năm khó khăn chưa từng có đối với ngành Giáo dục do ảnh hưởng trên diện rộng của đại dịch Covid-19. Trong các cấp học, thì tiểu học là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, gặp nhiều khó khăn nhất khi phải chuyển sang dạy và học trực tuyến trong một khoảng thời gian không ngắn. Dạy online không phải là cách chúng ta muốn, nhưng là sự lựa chọn duy nhất ở nhiều địa phương trong bối cảnh này. Nên mong các địa phương phối hợp tốt cùng Bộ GD&ĐT, quan tâm giải quyết các vấn đề phát sinh khi chúng ta bắt buộc phải dạy và học theo hình thức này”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. |