“Săn sao” ở SEA Games

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở SEA Games 28, không chỉ có những giây phút bùng nổ của thể thao Việt Nam mà còn có cả những câu chuyện bên lề đầy thú vị.

Lần đầu tiên chúng ta có một nữ vận động viên (VĐV) được cả khu vực biết đến, được người hâm mộ nước chủ nhà yêu mến, và câu chuyện “săn sao” của giới phóng viên cũng kịch tính, hấp dẫn không kém phim Hollywood... 

Một Ánh Viên mà ai cũng biết 

Nhân vật được nói tới ở đây không ai khác chính là nữ kình ngư Ánh Viên của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một VĐV làm mưa gió ở đấu trường khu vực, khiến các đối thủ "khiếp đảm" vì hễ cứ “nhảy xuống nước” là Ánh Viên có huy chương. Và không chỉ đi vào lịch sử Bơi lội Việt Nam với tư cách là VĐV đầu tiên giành tới 8 HCV, phá 8 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên còn trở thành một hiện tượng hy hữu của thể thao Việt Nam - được đông đảo báo chí trong khu vực săn đón, và cổ động viên nước bạn yêu mến. Những phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại Singapore đã vô cùng tự hào về nữ kình ngư khoác áo lính này.
Thầy trò Ánh Viên luôn là tâm điểm của báo chí tại SEA Games 28. Ảnh: Tùng Lê
Thầy trò Ánh Viên luôn là tâm điểm của báo chí tại SEA Games 28. Ảnh: Tùng Lê
Mỗi lần Ánh Viên chuẩn bị bước ra thi đấu, khi Ban Tổ chức xướng tên cô, cổ động viên Singapore lại ồ lên thích thú. Singapore vốn là quốc gia mạnh về bơi lội trong khu vực và họ có 2 kình ngư rất xuất sắc là Joseph Schooling và Tao Li nhưng không vì thế mà Ánh Viên bị lu mờ. Có lần không biết có phải do bị "ám ảnh" bởi cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên hay không mà Ban Tổ chức hiển thị tên của cô… trên đường bơi vòng loại nội dung 50m tự do nam thay vì tên của VĐV nước chủ nhà Yong En Lim về đích ở vị trí thứ ba, khiến cánh phóng viên Việt Nam cười nghiêng ngả.

Trong một chuyến taxi, khi biết tôi là phóng viên từ Việt Nam sang, bác tài reo lên thích thú: "Việt Nam có Ánh Viên. Cô ấy giỏi lắm" và còn giơ ngón tay cái biểu hiện Ánh Viên là số 1 cùng nụ cười tươi rói. Người đàn ông gốc Hoa này cũng cho biết, anh rất thích xem Schooling và Tao Li thi đấu nhưng ở kỳ SEA Games này, sự xuất hiện của Ánh Viên khiến anh rất thích thú. Bất ngờ hơn, anh còn kể vanh vách từng nội dung sở trường của kình ngư Việt Nam mà chẳng hề nhắc đến những đối thủ người Singapore cạnh tranh với cô như Tao Li hay Quah Ting Wen. Và không chỉ riêng người đàn ông này, hầu hết người dân trên đảo quốc Sư tử mà chúng tôi gặp đều biết Ánh Viên. Sau buổi họp báo đêm muộn ngày 11/6, thầy trò Ánh Viên được một người bạn mời đi ăn cháo ếch ở Geylang. Khi Ánh Viên đến, nhiều người nhận ra và xôn xao bàn tán. HLV Đặng Anh Tuấn cho biết, ngay cả ở Mỹ, Ánh Viên cũng không phải là gương mặt xa lạ với người hâm mộ bơi lội.

Chuyện “săn sao” hy hữu

Nhờ sự xuất sắc vượt trội, Ánh Viên không chỉ được báo chí quốc tế nhiệt tình săn đón, đặt cho nick name "cô gái thép", mà còn được báo chí trong nước săn đón... ráo riết. Cô cũng thường xuyên xuất hiện trên các trang bìa hoặc vị trí nổi bật ở các tờ báo lớn của Singapore cũng như ở Việt Nam. Mỗi lần cô thi đấu xong, các phóng viên lại xếp hàng chờ phỏng vấn. Chuyện "săn" Ánh Viên căng thẳng nhất là ở ngày thi đấu cuối, khiến cho không chỉ thầy trò cô bị áp lực mà các lãnh đạo ngành thể thao, lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam cũng đau đầu không kém.

Trong thời buổi cạnh tranh thông tin, nhiều cơ quan báo chí muốn độc chiếm Ánh Viên cho riêng mình nhưng lại không có kế hoạch đặt lịch trước với thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn. Chỉ có một tờ báo điện tử đã đăng ký ngay từ đầu và được đồng ý. Tuy nhiên, sau khi Ánh Viên thi đấu quá thành công, trở thành một hiện tượng của SEA Games 28 thì báo nào cũng muốn có thêm nhiều thông tin, hình ảnh độc quyền về nữ kình ngư này. Một cuộc chạy đua ngầm đã diễn ra, nhiều báo lớn liên tiếp gọi điện thoại tác động, gây áp lực lên lãnh đạo ngành thể thao, lãnh đạo Đoàn thể thao cũng như HLV Đặng Anh Tuấn, đề nghị được "độc quyền" Ánh Viên, dù thời gian khi đó không cho phép, vì ngay sau khi hoàn tất cuộc giao lưu trực tuyến với tờ báo điện tử kia, thầy trò Ánh Viên đã đặt vé máy bay trở về nước. Có thể nói, khi đó hai thầy trò và cả lãnh đạo Đoàn thể thao còn căng thẳng… hơn cả khi thi đấu! 

Những tưởng khó hóa giải được "cuộc chiến" cam go giữa các báo thì may quá, một giải pháp dung hòa cho tất cả đã được đưa ra. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu của các báo, Đoàn thể thao Việt Nam quyết định, vào đêm ngày thi đấu cuối cùng, thầy trò Ánh Viên sẽ có cuộc gặp gỡ với giới báo chí Việt Nam tại khách sạn Swissotel, đại bản doanh của Đoàn. Thế là đêm 11/6, ngay khi vừa thi đấu xong, không kịp hồi phục, thả lỏng, không kịp ăn tối, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn tất tả lên xe về khách sạn cho kịp buổi gặp gỡ báo chí. Dù đói và mệt nhưng cô luôn nở nụ cười tươi rói trong suốt buổi họp báo (cũng không tránh được những giọt nước mắt nghẹn ngào khi nói về gia đình, nói về người thầy đã hy sinh tất cả để cùng cô lên đường chinh phục đỉnh cao). Sự hồn nhiên, chân chất của cô gái miền sông nước đã thuyết phục được các nhà báo, và hình ảnh Ánh Viên ngập tràn các trang báo sau đó. Quá nửa đêm hôm ấy, hai thầy trò mới bước ra khỏi khách sạn để đi ăn món cháo ếch mà Ánh Viên yêu thích trước khi rời Singapore.

Tuy chuyện báo chí Việt Nam săn đón Ánh Viên đã gây nên nhiều áp lực nhưng những người có trách nhiệm của thể thao nước nhà khi ấy phần nào cảm thấy vui, vì lần đầu tiên chúng ta có một VĐV được đông đảo người hâm mộ yêu mến, và hầu hết các bài báo, các hình ảnh về cô đều được độc giả đón nhận. Ngay buổi giao lưu trực tuyến của Ánh Viên với tờ báo điện tử kia cũng có hơn 2 triệu lượt truy cập, được xem là con số kỷ lục của một buổi giao lưu trực tuyến tính tới thời điểm đó...

Và những giọt nước mắt hạnh phúc

Bên cạnh hiện tượng hi hữu Ánh Viên, thể thao Việt Nam còn nhiều câu chuyện đáng nhớ ở SEA Games 28. Đó là hình ảnh xúc động khi Đào Văn Thủy vừa hoàn thành phần thi nhảy cao ngay lập tức đứng nghiêm trang hướng về lá cờ Tổ quốc, giơ tay chào khi quốc ca Việt Nam ngân vang trên SVĐ thuộc khu Liên hợp thể thao Sport Hub. Hình ảnh của Thủy đã khiến người dân đảo quốc sư tử đang có mặt trên sân vận động khâm phục và họ cùng đứng dậy, hướng về lá cờ tươi thắm, biểu tượng cho đất nước Việt Nam. 
Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 28.
Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 28.
Đó cũng là hình ảnh những giọt nước mắt của nữ VĐV đua thuyền Canoeing mới 16 tuổi Trương Thị Phương bất ngờ đoạt HCV trong một buổi sáng mưa tầm tã, ngay lần đầu dự SEA Games. Đó còn là hình ảnh của cô gái Nam Định Nguyễn Thị Huyền xuất sắc trên đường chạy và bật khóc khi đoạt chiếc HCV thứ 2, đoạt 2 chuẩn dự Olympic 2016. Đó còn là hình ảnh của Trần Thị Len, người mẹ trẻ phải xa đứa con thơ lên đường tập luyện, thi đấu, tỏa sáng, mang vinh quang về cho đất nước... Và còn nhiều, nhiều nữa những hình ảnh ấn tượng đã làm nên một kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử của thể thao Việt Nam, để sau này sẽ còn được nhắc đến...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần