Nắm bắt thị hiếu này, nhiều Youtuber (người sử dụng, sản xuất video trên nền tảng Youtube) nhanh chóng nổi tiếng, kiếm được nhiều khoản tiền lớn từ hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, “mỏ vàng công cộng” cũng bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến những hệ lụy không nhỏ với người sử dụng.
Nổi tiếng, thu nhập triệu đô
Ngày nay, sự xuất hiện của các trang Vlog (video blog - nhật ký được ghi lại dưới dạng video), hay streamer (người phát sóng nội dung trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến) trên Youtube đã không còn xa lạ.
Trào lưu Vlog tại Việt Nam được khởi xướng cách đây 6, 7 năm nhờ vào những Vlogger là du học sinh có suy nghĩ sâu sắc, táo bạo, khác người và cách nói chuyện thu hút như: JVevermind, Huyme, Lâm Việt Anh… và sau này là Phở Đặc Biệt, An Nguy, Huy Cung. Ban đầu giới trẻ theo dõi Vlog vì họ bị thu hút bởi những chia sẻ cá nhân về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, kinh nghiệm sống cũng như những góc nhìn hài hước mà các Vlogger đem lại.
Hiện nay, khi mà Vlogger nổi tiếng một thời dần trở nên mờ nhạt thì cộng đồng lại được dịp khuấy động với sự xuất hiện của hàng loạt các kênh Youtube do người già làm nội dung và có lượt subscribe (đăng ký) đột biến, nổi bật nhất là “Bà Tân Vlog”. Khi đặt giữa rừng Vlog hoa mỹ và đẹp đẽ đạt tiêu chuẩn thời đại thì hình ảnh người lớn tuổi chất phác, giản dị như “Bà Tân Vlog” chen chân vào đó bỗng trở nên khác biệt và gây sức hút khó cưỡng.
Còn với Streamer, những cái tên đình đàm như Pewpew, Misthy, Linh Ngọc Đàm, Virus… đã quá quen thuộc với những bạn trẻ đam mê những môn thể thao điện tử. Những Streamer nổi tiếng này, hiện nay ngoài việc phát sóng trực tiếp các buổi chơi game còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh, tham gia game show trên truyền hình.
Bên cạnh đó, trên thế giới có rất nhiều streamer nổi tiếng như Ninja, Shroud hay Tfue. Thu nhập của các streamer này lên đến 560.000 USD mỗi tháng, chưa kể các hợp đồng quảng cáo và donate (quyên góp) từ người hâm mộ.
Tảng băng chìm
Hiện tượng, Vlogger và Streamer nhanh chóng nổi tiếng và có thu nhập cao trên Youtube khiến giới trẻ dễ dàng bị thu hút, thèm thuồng “mỏ vàng công cộng” này. Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên sản xuất video, theo dõi Youtube đều hiểu rằng, tất cả yếu tố trên chỉ là tạm thời, sự nổi tiếng, kèm theo thu nhập cao không dễ dàng có được.
Vừa qua, streamer nổi tiếng PewPew (Hoàng Văn Khoa, có hơn 3 triệu người theo dõi trên Facebook) bất ngờ đăng bài trên Facebook úp mở chuyện nghỉ công việc hiện tại để chuyển sang nghề mới, bớt cực nhọc hơn.
Trao đổi với báo chí, PewPew xác nhận đã giải nghệ. Anh đã chuyển sang công việc mới phù hợp và nhàn rỗi hơn thay vì tập trung vào sự nghiệp streamer vất vả như trước. PewPew sẽ dành thời gian cho gia đình, bạn bè và cho chính bản thân anh. “Từ mai mình có thể sống một cuộc sống bình thường. Ngày làm 8 tiếng, cuối tuần đi chơi cùng bạn bè” - PewPew chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi là người nổi tiếng, Vlogger và Streamer cũng thường lo ngại về bản quyền, cuộc sống cá nhân. Hiện nay, không ít những người sản xuất video trên Youtube phải dấu hình ảnh cá nhân (không quay gương mặt) như chủ nhân kênh “Hoa Ban Food” hay “Trực Tiếp Game”.
Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều Vlogger như Khá Bảnh, Tuấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền với nhiều video cổ súy hành vi bạo lực, phản văn hóa cũng khiến nhiều người lo ngại về mức độ ảnh hưởng của sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của các Vlogger với giới trẻ.
Không chỉ những công ty, tổ chức được hưởng lợi từ hình thức, cơ chế hoạt động của YouTube mà ngay cả quy mô nhà sản xuất cá nhân cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, những người có ý định làm Vlog hay Streamer cần luôn sáng suốt trong mỗi quyết định, thực sự do công sức bỏ ra mới là giá trị bền vững và là tiềm năng phát triển cho tương lai.