Sáng nay (27/11), Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.

Qua 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển thành phố Hà Nội, tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Một góc Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Một góc Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Tuy nhiên, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế.

 

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Chiều 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội và thảo luận tại tổ. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc ủng hộ, tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng nhằm mục tiêu phát triển Thủ đô xứng tầm trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức
Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Do đó, nếu chỉ quy định như dự thảo Luật hiện tại là “giao cho HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” thì chưa rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Tạ Thị Yên, đồng tình với dự thảo Luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%, đây được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc tăng từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch HĐND Thành phố và  mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND Thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này phù hợp với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Do đó, các hình thức, phương pháp, công cụ đại diện cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành đề xuất giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành đề xuất giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

“Về quy định thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND Thành phố Hà Nội, theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô. Tôi cũng tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

 

Theo chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 27/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng đó, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Ngày 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Sáng 29/11, Quốc hội bước vào phiên bế mạc. Tại phiên làm việc này, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV.