Sao không quy hoạch?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa đi thăm đồng về đến đầu ngõ, nhìn thấy chị Luyên đang ngồi hóng mát, chị Thủy sốt sắng hỏi: "Vụ này, nhà chị có ruộng lúa nào bị chuột cắn không?

Nhà em có sào rưỡi lúa thơm giống mới ở khu Ghềnh bị chuột cắn tơi tả. Lần nào ra thăm ruộng cũng vơ một đống lá lúa, xót ruột lắm chị ạ, chẳng biết có được đến ngày thu hoạch nữa hay không". "Tôi mới đi thăm đồng hôm qua, chưa thấy ruộng lúa nào bị chuột cắn. Thế chỉ nhà cô hay cả nhà khác cũng bị?".

Nghe chị Luyên hỏi, chị Thủy càng chán nản hơn: "Cả khu có mỗi nhà em bị chuột phá nhiều nhất, còn lại những nhà khác bị không đáng kể. Hay là do mình nhà em cấy giống mới nên bị thế nhỉ?". Đến đây, chị Luyên à lên một câu vì đã "bắt được bệnh" của ruộng lúa nhà chị Thủy. Chị bảo: "Nhà cô cấy lúa thơm giống mới, lại một mình một loại giữa khu đồng thì làm sao tránh được chuột. Năm ngoái, mình nhà tôi cấy một sào lúa giống mới ở xứ đồng Cây Táo, cũng bị chuột cắn nên năm nay rút kinh nghiệm, tôi cứ cấy giống Khang Dân phổ thông như các hộ khác". "Nhưng cán bộ thôn, HTX nông nghiệp của thôn mình có quy hoạch xứ đồng nào cấy lúa gì đâu mà toàn người dân tự làm đấy chứ?" - chị Thủy thắc mắc.

Nghe vậy, chị Luyên thấy lời của chị Thủy không phải là không có lý. Bởi lâu nay, thôn vẫn chưa quy hoạch được khu đồng nào thì cấy giống gì, mà cứ để người dân tự do làm theo ý thích. Điều đó dẫn tới, không chỉ các hộ cấy giống mới bị chuột phá, sâu bệnh nhiều mà còn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất do cấy nhiều giống khác nhau nên nhà gặt trước, nhà gặt sau, rất khó áp dụng máy gặt, máy làm đất. Không những thế, do thiếu quy hoạch nên ở thôn còn có cả tình trạng trên cùng một cánh đồng, nhà cấy lúa, nhà trồng lạc, nhà trồng dưa... rất khó khăn cho việc bơm, lấy nước tưới. "Đúng là thôn phải quy hoạch các vùng sản xuất cụ thể thì bà con mới gieo trồng, sản xuất ổn định được" - chị Luyên gật gù.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần