Saturday, 10:38 31/08/2013
“Sao Vàng đất Việt” vượt khó
Kinhtedothi - FPT, THACO, Viettinbank, Vissan, Đạm Phú Mỹ, VRG, Traphaco, PVEP, Thiên Long, Hoa Sen là những cái tên thương hiệu nằm trong Top 10 Sao Vàng đất Việt (SVĐV) sẽ được vinh danh trong Lễ trao giải thưởng SVĐV 2013 diễn ra sáng 2/9.
Đây là những doanh nghiệp (DN) vượt khó tiêu biểu của năm qua, có doanh thu và lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 30.000 tỷ đồng.
Doanh thu, lợi nhuận tăng cao
Điều đáng ghi nhận là trải qua một năm kinh tế khó khăn như 2012 nhưng doanh thu và lợi nhuận của Top 200 thương hiệu SVĐV 2013 lại có chiều hướng tăng cao. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam, 200 DN này đã tạo ra 734.000 tỷ đồng doanh thu, tổng tài sản 1.845.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 71.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 56.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 466.000 lao động…
"Các số liệu này đều đạt mức cao nhất trong 10 năm bình chọn SVĐV vừa qua" - ông Cường khẳng định. Riêng các DN trong Top 10 có doanh thu tăng trên 136 %, từ 91,45 ngàn tỷ đồng lên 216,54 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận tăng từ 9.000 tỷ đồng lên gần 38.000 tỷ đồng, nộp ngân sách tăng từ 9,6 ngàn tỷ đồng lên 29,59 ngàn tỷ đồng. Tổng tài sản của các DN này cũng tăng từ 408,57 ngàn tỷ lên 724,88 ngàn tỷ đồng.
"Để đạt được kết quả này, các DN đã phải nỗ lực bằng hai, ba lần so với trước đây" - ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định số 11 của Giải thưởng SVĐV năm 2013 đánh giá. Khi làm việc với Công ty TNHH Bảo Long, công nhân tại các phân xưởng sản xuất máy bơm liên tục phải tăng ca, tăng năng suất lao động để hoàn thành đơn hàng. Đây là DN có mức doanh thu khoảng 186 tỷ đồng năm 2012, đảm bảo công ăn, việc làm cho khoảng 500 công nhân với mức lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. "Trong bối cảnh nhiều DN hoạt động cầm chừng, chỉ cần nhìn máy móc chạy đều, bảo đảm việc làm cho người lao động là biết ngay DN đó khỏe hay yếu, nhìn trật tự nhà xưởng là biết công tác quản trị DN tốt hay dở" - ông Vương cho biết.
Cần hơn nữa những chia sẻ, đồng hành
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng đoàn thẩm định số 27 khẳng định: "Các DN đạt danh hiệu SVĐV đều là những DN hoạt động kinh doanh hiệu quả. Khi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các DN thì mới thấy hết những khó khăn cũng như những nỗ lực vươn lên của họ là rất đáng trân trọng". Cũng theo ông Nam, các DN đã tìm nhiều cách để vượt khó: Tiết giảm chi phí, bám sát nhu cầu người tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức tiêu thụ… Và thực tế, các giải pháp này đã phát huy hiệu quả. Nhiều DN phía Nam như: Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang (Đồng Tháp), Công ty Thủy sản Quốc Việt, Công ty CP thương nghiệp Cà Mau… đã có doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 tăng từ 20 - 35% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, các DN lọt Top 200 thương hiệu SVĐV 2013 đều được đánh giá là có sự đầu tư bài bản cho hệ thống sản xuất kinh doanh, hệ thống quản lý, quản trị tương đối tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn, đầu ra bị thu hẹp nên tỷ suất lợi nhuận của các DN còn tương đối thấp, nhất là các DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Bản thân các DN cũng đang phải tự nỗ lực rất nhiều, tự cứu mình là chính. Ông Nguyễn Phương Nam cho rằng: "Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước là chưa đáng kể". Trong Báo cáo thường niên SVĐV lần đầu tiên được công bố nhân dịp trao thưởng SVĐV 2013, Hiệp hội DNT Việt Nam sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể tới Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và ưu đãi hơn nữa cho các DN, đặc biệt là các DN trẻ.
![]() Sản xuất thuốc tại Công ty CP Traphaco. Ảnh: Mạnh Dũng
|