Quy mô đào tạo mô hình 9+ tăng dầnTrên địa bàn TP Hà Nội có nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) đang triển khai mô hình 9+ đào tạo nghề kết hợp dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Những HS sau khi tốt nghiệp THCS không có khả năng thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập hoặc mong muốn đi học nghề thì đăng ký vào trường CĐ, TC học theo mô hình 9+ (học nghề trình độ TC; học văn hóa chương trình GDTX hệ THPT có 7 môn). Do trường nghề không có chức năng dạy văn hóa nên phải phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX để HS học hết lớp 12 mới được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lấy bằng tốt nghiệp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS, nhiều trường CĐ, TC đã bố trí phòng học, phòng thí nghiệm... để giáo viên trung tâm GDNN - GDTX đến dạy văn hóa.
|
Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội kết hợp dạy văn hóa theo mô hình 9+ có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT các năm đạt từ 96% trở lên. |
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình trường nghề kết hợp với trung tâm GDNN - GDTX dạy văn hóa GDTX cấp THPT, TS Phạm Xuân Khánh - Phụ trách trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX Hoài Đức chịu trách nhiệm về công tác quản lý, triển khai các hoạt động chuyên môn dạy và học, thực hiện nội dung chương trình đào tạo từng kỳ, từng năm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Quy mô đào tạo mô hình 9+ của trường tăng dần theo từng năm: Năm 2018 có 265 HS, năm 2019 có 370 HS, năm 2020 có 283 HS (do TP trưng dụng nhà trường làm Khu cách ly tập trung phòng chống Covid-19 nên ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh). Hiện nay, trường có 195 HS đăng ký tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng triển khai mô hình 9+ từ năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 với số lượng tuyển sinh lần lượt là gần 200 và 260 HS. Những trường nghề ở ngoại thành, HS có nhu cầu học nghề nhiều nên quy mô tuyển sinh theo mô hình 9+ tương đối lớn.
Hiệu trưởng trường TC nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho biết: Căn cứ vào từng năm, nhà trường sẽ chọn trung tâm GDNN – GDTX nào đảm bảo thuận lợi nhất cho HS để liên kết đào tạo chương trình GDTX cấp THPT, cấp song bằng cho HS theo học trong 3 năm. Mỗi năm trường tuyển sinh và đào tạo theo mô hình 9+ từ 700 – 800 HS; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT các năm đều đạt từ 96% trở lên.
Mô hình 9+ phát huy năng lực, sở trường của học sinhCác trường TC, CĐ phối hợp với trung tâm GDNN - GDTX để dạy văn hóa cho biết, đa phần HS chọn đi học theo chương trình 9+ có lực học trung bình. Không ít em hoàn cảnh khó khăn, bố hoặc mẹ mất, cha mẹ ly hôn. Sau một thời gian học mô hình 9+, nhiều em có kết quả học nghề và văn hóa ngang nhau, thậm chí không ít em có năng lực học nghề tốt hơn học văn hóa.
Em Lại Văn Sâm - HS lớp 12, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đến từ quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Vừa học văn hóa THPT vừa học nghề Điện lạnh nhưng em nhận thấy không nặng quá vì nhà trường bố trí lịch học hợp lý, các thầy cô dạy dễ hiểu. Học lực văn hóa và học nghề của em đạt mức trung bình khá. Em mong muốn sau khi thi tốt nghiệp THPT, sẽ học CĐ để có tay nghề ra trường dễ kiếm việc làm”.
Phó Hiệu trưởng trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết, nhà trường phối hợp với Trung tâm GDTX quận Cầu Giấy triển khai chương trình 9+. Mỗi kỳ, nhà trường đều xếp loại học tập văn hóa và học nghề, đa số HS có kết quả học tập tốt. Có không ít HS, khi học văn hóa cùng học nghề, đã phát huy tốt sở trường. Hơn nữa, áp lực học văn hóa không quá nặng nề, tâm lý HS thoải mái, giúp dễ tiếp nhận kiến thức, kỹ năng. Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm GDTX quận Tây Hồ, Trung tâm GDTX quận Hai Bà Trưng để dạy văn hóa THPT cho HS học nghề hệ TC.
“Nhiều HS học văn hóa trung bình nhưng học nghề lại đạt học lực giỏi. Một số ít em có học lực văn hóa khá, kết quả học nghề khá hoặc giỏi. Kết quả đào tạo nghề của HS tốt hơn văn hóa, năm học 2019 - 2020 có 10% HS học văn hóa đạt khá, giỏi nhưng tỷ lệ này ở học nghề đạt trên 20%” - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường thông tin. Tại trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, HS mô hình 9+ tham gia học tập cũng như chấp hành nội quy, quy định của nhà trường đều rất tốt. Thậm chí, nhiều em tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, rèn luyện thi tay nghề các cấp và đạt các giải cao mặc dù thời gian đào tạo nghề chưa được nhiều.
Kiến nghị trường nghề được dạy văn hóaĐể có được kết quả trên theo mô hình 9+ là do các trường nghề chủ động phối hợp với trường THCS để tư vấn, hướng nghiệp cho HS lớp 9. Đồng thời, các trường nghề phối hợp chặt chẽ với trung tâm GDNN - GDTX trong việc dạy văn hóa THPT, quản lý HS trong thời gian học. Tuy nhiên, do trường nghề chưa được chủ động tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên để dạy hệ văn hóa GDTX cấp THPT nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
TS Phạm Xuân Khánh dẫn chứng: Cùng một HS có 2 đơn vị đồng thời quản lý dẫn đến vừa tốn kém, phức tạp vừa dễ chồng chéo ảnh hưởng đến kết quả học tập. Lại có những ý kiến khác lo lắng về việc trường nghề không được can thiệp sâu vào việc dạy văn hóa nên khó kiểm soát được trung tâm GDNN - GDTX đi thuê giáo viên thỉnh giảng (vì cùng lúc 1 trung tâm GDNN - GDTX hợp tác với nhiều trường nghề), dẫn đến chất lượng dạy văn hóa không bảo đảm, ảnh hưởng đến các em HS.
Để giải bài toán chồng chéo và bất cập này, nhiều trường TC, CĐ đề xuất nên sáp nhập các trung tâm GDNN - GDTX vào các trường TC, CĐ. Lúc đó, các trường TC, CĐ được phép chủ động tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên giảng dạy hệ văn hóa GDTX cấp THPT để chủ động hoàn toàn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đào tạo cho đối tượng HS học theo mô hình 9+, góp phần vào chất lượng giảng dạy được tốt nhất; đồng thời, giải quyết tốt được vấn đề phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ. Hai ngành LĐTB&XH và GD&ĐT sẽ làm tốt việc của mình, tránh đùn đẩy trách nhiệm cũng như “giữ phần, giữ quyền”. Và, khi các trường nghề chủ động trong chương trình dạy học văn hóa và đào tạo nghề, đầu ra là đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân sẽ chất lượng hơn.
Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các trường TC, CĐ đã được sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT thì tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới. Và, sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
"Với mô hình hiện nay ở trường nghề, HS có 2 giáo viên chủ nhiệm về văn hóa và nghề nhưng sự phối hợp còn nhiều khó khăn trong giáo dục nghề nghiệp và nhân cách cho các em. Việc sắp xếp lịch học và tổ chức các hoạt động học tập, ngoại khóa cho đối tượng này khó khăn, dẫn đến một số HS gặp áp lực về tâm lý, căng thẳng trong học tập. " - TS Phạm Xuân Khánh - Phụ trách trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội |