Mánh khoé: Đủ nạn nhân là… sập
Thời gian gần đây, sàn ngoại hối FVP TRADE liên tục bị các cơ quan truyền thông phản ánh về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hoạt động theo mô hình đa cấp trái phép tại Việt Nam. Ngày 18/7/2022, đại diện ban quản lý của sàn forex này đã có thông báo gửi nhà đầu tư. Theo đó, công ty này đã quyết định tạm thời xóa tất cả dữ liệu hệ thống, quyền truy cập và thông tin, đồng thời, phong tỏa tài khoản của khách hàng.
“Do sự sụp đổ gần đây của tiền điện tử phổ biến Luna cũng như các sàn giao dịch tiền điện tử và quỹ đầu cơ khác nhau trên toàn cầu, ngân hàng trung ương…Trong quá trình công ty trao đổi stable coin USDT sang Fiat rồi chuyển lên hệ thống MT4, khối lượng giao dịch tuyệt đối của công ty đã thu hút được sự chú ý của các tổ chức chống rửa tiền quốc tế và công ty đã được thông báo rằng tất cả tài sản hiện tại bao gồm tiền gửi ngân hàng sẽ bị phong tỏa”, thông báo của ban quản lý FVP TRADE có ghi.
Điều này đồng nghĩa hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư Việt Nam trên sàn forex này bị đóng băng, thậm chí là mất trắng. Trước cú sốc này, nhiều người cho biết, họ gần như sẽ đối mặt với việc tán gia bại sản, thậm chí, nợ nần chồng chất.
Theo quảng cáo, sàn FVP TRADE là sàn giao dịch quốc tế, mọi người có thể giao dịch Forex, chứng khoán, hàng hoá, chỉ số và tiền điện tử một cách nhanh chóng, an toàn, đảm bảo giá cả công bằng, minh bạch.
Tại sàn này, nhà đầu tư sẽ uỷ thác cho các chuyên gia của FVP TRADE đầu tư forex và chỉ cần hưởng lợi nhuận hằng tháng. Với mức lợi nhuận từ 6 - 10%/tháng, tương đương 72 - 120%/năm, thậm chí, sàn này còn chi trả thêm 6 nguồn thu nhập khác thụ động lâu dài nếu như nhà đầu tư phát triển được hệ thống mô hình nhiều tầng giống như đa cấp.
Tuy nhiên, FVP TRADE chưa hề được cấp phép đăng ký hoạt động tại Việt Nam, có dấu hiệu của việc hoạt động theo phương thức đa cấp trái phép do cơ quan quản lý nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ sàn forex nào.
Liên quan đến sàn giao dịch trên, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa bắt giữ các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, lập sàn giao dịch tiền ảo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 200 người. Nguyễn Thị Lệ Nhi, trú tại huyện Quảng Trạch cầm đầu đường dây, cùng 5 nhân viên đã kêu gọi huy động đầu tư vào sàn Forex FVP TRADE (ủy thác đầu tư tiền ảo). Khi thu được nhiều tiền của các nhà đầu tư, sàn FVP TRADE tạm dừng giao dịch, việc nạp, rút tiền đều không thực hiện được và đóng băng toàn bộ tài khoản, xóa bỏ dữ liệu nhằm chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.
Hiện nay, xuất hiện nhiều sàn giao dịch tiền ảo, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Các sàn được giới thiệu là dự án với lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận với người chơi, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Thời gian đầu, các sàn này sẽ để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi không cho rút tiền để chiếm đoạt.
Vừa qua, một nam thanh niên ở quận Long Biên, TP Hà Nội đã mất hơn 300 triệu đồng với thủ đoạn trên. Theo đơn trình báo, vào tháng 6/2022, anh K. (SN 1980, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) có nhận được lời mời tham gia "đầu tư sàn ngoại hối". Với quảng cáo lãi suất cao, anh K. đã nạp 250 triệu đồng vào tài khoản. Nhưng sau khi chuyển tiền xong, anh K. không rút được tiền. Chủ sàn yêu cầu anh phải nâng cấp lên tài khoản VIP thì mới rút được tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm 88 triệu đồng, anh K. không rút được tiền và xoá khỏi nhóm giao dịch. Lúc này, anh K. mới biết bị lừa và đến Công an phường Thạch Bàn, Quận Long Biên trình báo.
Vào cuối tháng 2/2022, chị H. (SN 1993, trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) có nhận được lời mời tham gia "đầu tư ngoại hối quốc tế". Theo quảng cáo, "sàn có giấy chứng nhận quốc tế và được kiểm định, đánh giá chất lượng". Với cam kết tài khoản sẽ tăng trưởng 50-70%, chị H. sẽ lời 2-7% mỗi ngày và rút tiền nhanh chóng.
Sau khi được tư vấn, chị H. nạp thử số tiền tương ứng là 10 USD thì được rút ra gần 300.000 đồng. Chị H. tiếp tục nạp số tiền tương ứng 500 USD thì được rút ra hơn 13 triệu đồng. Sau 2 lần có lãi, chị H. tiếp tục nạp hơn 500 triệu đồng nhưng không thể rút được tiền ra. Lúc này, chị mới nghi ngờ mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo.
Trước đó, vào tháng 2/2022, anh Phan T., một nhà đầu tư khác cũng dính chiêu lừa tương tự trên sàn Fashinn. Theo đó, anh đã tham gia gói dữ liệu 40 triệu đồng, thu về lãi ảo hơn 400 triệu đồng và phải nhiều lần nộp tiền vào tài khoản Hồ Văn Mạnh (phí rút tiền, bảo hiểm, tiền sửa phần mềm thông tin trên sàn) với tổng số tiền 160 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp tiền, sàn vẫn lấy nhiều lý do để không cho anh rút tiền và tiếp tục đề nghị đóng thêm tiền mới giải quyết.
Chiêu trò lừa đảo đã được cảnh báo nhiều lần
Bộ Công an cho biết, thời gian qua, các hình thức lừa đảo thông qua sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, sàn giao dịch ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), sàn giao dịch tiền “ảo” hoặc kinh doanh đa cấp trái phép tăng mạnh. Lực lượng công an đã liên tục triệt phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn tiền ảo. NHNN, Bộ Công an đã có khuyến cáo đối với các loại hình này nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót tiền dẫn đến tiền mất, nhà tan.
Thời điểm này, khi chứng khoán, bất động sản sụt giảm, dòng tiền nhàn rỗi nhiều hơn khiến một bộ phận người dân thu nhập giảm sút, nhưng thích kiếm tiền nhanh với vốn đầu tư có hạn, nên càng dễ sập bẫy lừa đảo với mọi hình thức.
Những câu chuyện sập bẫy sàn tiền ảo không phải là mới, nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân mới. Nhiều công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. Những lời mời chào đầy “ngọt ngào” khiến cho nhà đầu tư đổ tiền vào các sàn “tiền ảo rác”, để sau một khoảng thời gian thì biến mất, lúc đó nhà đầu tư mới biết họ bị lừa. Trong khi khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử.
Tuần qua, giá Bitcoin giảm mạnh có lúc giao dịch ở 21.149 USD, giảm 7,7%.Nhiều tiền ảo vốn hóa lớn tiếp tục rơi vào tình trạng đỏ sàn. Cụ thể, Ethereum giảm 10.2%, Binance Coin giảm 3,5%, Ripple giảm 6,9%, Cardano giảm 9,2%, Dogecoin giảm 6,2%, Polkadot giảm 6%... Trong khi đó, theo báo cáo từ công ty phân tích blockchain Chainalysis, đã có đến 1,9 tỉ USD tiền điện tử bị đánh cắp bởi nhiều vụ “hack” trên đa dạng các dịch vụ trong 7 tháng đầu năm nay, đánh dấu mức tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tiền bị đánh cắp gia tăng ngay cả khi giá trị của nhiều loại tiền điện tử sụt giảm.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội, trên thị trường tài chính tiền tệ một số nước đã thừa nhận hoạt động đối với đồng tiền ảo, tuy nhiên, tiền ảo hiện không được thừa nhận tại Việt Nam. Do hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa công nhận tài sản ảo, nên người chơi phải gánh chịu mọi rủi ro, khó có căn cứ được cơ quan chức năng bảo vệ. Chưa kể, các sàn tiền ảo lại chủ yếu thành lập ở nước ngoài, muốn xử lý cũng không đơn giản.
Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền điện tử, để vừa quản lý vừa có chế tài xử phạt nặng hơn đối với hành vi lừa đảo. Ngoài ra, các cơ quan liên quan đến công nghệ cần phối hợp, triển khai hệ thống giám sát chặt chẽ an ninh mạng cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài chính, tiền điện tử…
Về phía nhà đầu tư, tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch tiền ảo, đa cấp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.