Sắp tới thời của taxi bay, Nhật Bản sẽ tiên phong?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản đã tiến một bước quan trọng trong cuộc đua trở thành quốc gia đầu tiên có taxi bay phục vụ các thành phố lớn sau khi ký kết thỏa thuận phát triển cơ sở hạ tầng cất cánh và hạ cánh.

Một chiếc taxi bay bằng điện của Joby Aviation trên bầu trời  Manhattan, New York, Mỹ, ngày 12/11/2023. Ảnh: Reuters
Một chiếc taxi bay bằng điện của Joby Aviation trên bầu trời Manhattan, New York, Mỹ, ngày 12/11/2023. Ảnh: Reuters

Năm 2022, All Nippon Airways (ANA) Holdings Inc hợp tác với Joby Aviation có trụ sở tại California (Mỹ) để đưa dịch vụ taxi hàng không chạy bằng điện đến Nhật Bản. Tuần qua, 2 công ty này đã công bố hợp tác với Công ty Phát triển Bất động sản Nomura - một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Nhật Bản - để bước đầu xây dựng hệ thống "cảng trên cao" ở các quận nội thành lớn, trước khi mở rộng để liên kết toàn quốc.

Theo thỏa thuận, 3 công ty sẽ lập kế hoạch về vị trí, thiết kế, vận hành và tài trợ cho các cảng đứng, với địa điểm đầu tiên có thể là trên các giàn nổi trên Vịnh Tokyo hoặc ngay ngoài khơi Osaka.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vận tải cảnh báo rằng việc ra mắt dịch vụ taxi bay vẫn vấp một rào cản lớn là chưa có chính phủ nào trên thế giới phê duyệt ô tô bay, cũng như chưa đạt yêu cầu về các khía cạnh kỹ thuật, pháp lý và an toàn.

"Tôi nghĩ sẽ phải mất ít nhất 3 năm, thậm chí là gần 5 năm nữa, trước khi điều này trở nên phổ biến. Ngay cả khi đó, taxi bay sẽ phải hoạt động ở những khu vực rất hạn chế, trên những tuyến đường cụ thể, ở độ cao và tốc độ nhất định" - Peter Lyon, nhà báo chuyên về ô tô của Forbes, nhận định.

Trong khi Nhật Bản có thể nuôi tham vọng dẫn đầu thế giới về phương thức vận tải này, và các nhà tổ chức Osaka Expo đang hy vọng giới thiệu công nghệ này khi sự kiện khai mạc vào năm 2025, thì nước này vẫn phải đối mặt với một số thách thức đặc biệt: những con đường hẹp và quan trọng nhất là mạng lưới đường dây điện trên mặt đất rộng lớn.

Năm 2018, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển lộ trình chi tiết về di chuyển trên không, trong đó tập hợp các công ty tư nhân, học viện và Chính phủ để thúc đẩy "cuộc cách mạng di chuyển trên không".

Người ta từng kỳ vọng rằng một chiếc ô tô bay sẽ xuất hiện trên bầu trời như một phần của lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, nhưng giấc mơ đó đã tan thành mây khói do công nghệ chưa kịp hoàn thiện, và sự kiện thể thao này cũng đã bị trật bánh do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tầm nhìn đó vẫn còn đối với các đội xe bay có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, không yêu cầu diện tích đường băng lớn và có thể hoạt động tự chủ. Những người ủng hộ hy vọng phương tiện này có thể giúp giảm lưu lượng giao thông đường bộ và hoạt động trong trường hợp có thiên tai.

Tháng 10 năm ngoái, Joby Aviation thông báo rằng họ đã nộp đơn lên Chính phủ Tokyo để xin khai thác dịch vụ hành khách thương mại cho máy bay eVTOL 5 ​​chỗ có người lái "nhằm kết nối mọi người và thành phố thông qua các chuyến bay nhanh, yên tĩnh và không phát thải".

Trả lời SCMP, một quan chức của hãng hàng không ANA cho biết vẫn chưa có ngày ấn định cho việc phát triển các sân bay ở thủ đô Tokyo hay nơi khác, nhưng bà nói thêm: "Chúng tôi hy vọng có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên tại Osaka Expo vào năm 2025, và điều đó có nghĩa là phải có chứng nhận cho máy bay trong năm 2024 hoặc đầu năm 2025".

Quan chức này cho biết: "Vào năm 2025, Joby có kế hoạch mở một cơ sở sản xuất hàng loạt lớn ở Mỹ, và một khi những chiếc xe này được sản xuất với số lượng lớn, chúng tôi sẽ xác định rõ hơn cách chúng có thể được triển khai ở Mỹ và Nhật Bản".

Bà cho biết, một số công ty tư nhân khác cũng đang thực hiện các dự án ô tô bay tương tự, bao gồm cả ở Mỹ, châu Âu.

Lyon đồng ý rằng công nghệ dành cho các phương tiện này đang có những bước tiến lớn và chiếc ô tô được thí điểm đầu tiên có thể sẽ bay trên không trong khoảng một năm nữa, nhưng vẫn còn nhiều rào cản đối với việc di chuyển.

Ông nói: “Tôi ví điều này giống như cuộc cách mạng trong lĩnh vực lái xe tự động. Công nghệ này đã xuất hiện được một thời gian, nhưng khi bạn nhìn xung quanh, ngày nay chỉ có rất ít ô tô thực sự chạy trên đường với hệ thống lái tự động cấp độ ba và thậm chí khi đó chúng chỉ có thể vận hành trên một số con đường nhất định, ở một số tốc độ nhất định, và trong những điều kiện cụ thể khác."

Cây bút Lyon của tờ Forbes lưu ý, trong tương lai, những vụ tai nạn liên quan đến phương tiện bay là hoàn toàn có thể xảy ra. Và bởi các phương tiện chạy bằng điện, nên phạm vi hoạt động cũng sẽ là một nan đề cần lời giải.