Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sát thủ diệt tăng Bradley của Mỹ có mặt tại chiến trường Ukraine

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liệu những chiếc xe chiến đấu hiện đại này có thể phát huy được hiệu quả trên chiến trường Ukraine, hay sẽ trở thành mục tiêu cho quân đội Nga?

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận những chiếc xe chiến đấu bộ binh bọc thép M2 Bradley đầu tiên đã có mặt tại vùng chiến sự ở Ukraine và tham gia vào cuộc xung đột chưa có hồi kết, hãng thông tấn War Zone đưa tin.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charlie Dietz hôm 18/4 xác nhận thông tin trên nhưng không nêu rõ thời điểm chính xác các xe chiến đấu Bradley đến Ukraine cũng như số lượng đã được gửi đi trong tổng cộng 113 chiếc mà Mỹ đã cam kết.

Đây là xác nhận chính thức đầu tiên của phía Mỹ về sự xuất hiện của những chiếc xe chiến đấu bộ binh này tại Ukraine. Trước đó, những bức ảnh đầu tiên về thiết bị do Mỹ cung cấp được cho là đang tham chiến tại Ukraine, đã xuất hiện trên mạng xã hội. Tác giả của bức ảnh đăng trên Twitter cho biết, kể từ khi bắt đầu xung đột anh ta đã rất tích cực theo dõi việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Hai chiếc xe bọc thép M2 Bradley. Một chiếc được sơn màu xanh lá cây đậm đặc, trong khi chiếc còn lại được ngụy trang bằng màu camo xanh lá cây. Photo: War Zone  
Hai chiếc xe bọc thép M2 Bradley. Một chiếc được sơn màu xanh lá cây đậm đặc, trong khi chiếc còn lại được ngụy trang bằng màu camo xanh lá cây. Photo: War Zone  

Hôm 17/4, tài khoản chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine cũng công bố một bức ảnh về những chiếc Bradley.

Trang War Zone lưu ý, quân đội Mỹ đã huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành và bảo dưỡng xe chiến đấu bọc thép Bradley tại thao trường Grafenwöhr ở Đức ít nhất là từ tháng 2/2023.

Trong cùng tháng, một tàu chở hàng thương mại với hơn 60 phương tiện này đã đến Đức trước khi được giao cho Kiev.

Hiệu quả trên chiến trường

Theo chuyên trang về quân sự Military.com, M2 Bradley được sản xuất bởi tập đoàn BAE Systems. Thiết kế đầu tiên của M2 Bradley là từ cuối những năm 1970. Loại xe này lần đầu tiên được quân đội Mỹ sử dụng vào đầu những năm 1980.

Xe Bradley nặng 36 tấn, là phương tiện bọc thép có khả năng chở quân trên chiến trường, yểm trợ hỏa lực và thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Loại xe này có tốc độ tương đối tốt, khả năng cơ động cao với kíp lái 3 người vận hành, di chuyển với tốc độ khoảng 64km/h, trong tầm hoạt động khoảng 480km.

Ngoài hỏa lực mạnh, M2 Bradley có thể chở theo nhiều nhất 10 binh sĩ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ  
Ngoài hỏa lực mạnh, M2 Bradley có thể chở theo nhiều nhất 10 binh sĩ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ  

M2A2 Bradley có một số tính năng ấn tượng, xe có thể đi qua hào rộng 2,5 m, cũng như leo tường cao 0,9 m. Chiếc xe cũng được trang bị hỏa lực tương đối mạnh bao gồm một khẩu súng máy M242 25 mm (900 viên đạn) và hai bệ phóng tên lửa chống tăng TOW (7 tên lửa). Vũ khí phụ bao gồm một súng máy đồng trục M240C 7,62 mm (2.200 viên đạn).

Bradley có lớp giáp hợp kim nhôm phản ứng nổ và lớp giáp trước bằng thép có thể chống lại các loại đạn dược khác nhau, chẳng hạn như một số loại đạn xuyên giáp và súng chống tăng. Xe cũng được trang bị theo súng phun khói có thể tạo ra màn sương để phòng thủ.

Xe chiến đấu Bradley được đặt theo tên của một vị tướng Mỹ, người chỉ huy quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ II. Quân đội Mỹ hiện sở hữu hàng nghìn xe chiến đấu loại này.

Bradley đôi lúc bị nhầm lẫn là xe tăng, mặc dù các chuyên gia quân sự và quan chức chính phủ Mỹ đã chỉ rõ chủng loại của phương tiện này.

Khi được đề nghị mô tả sự khác biệt giữa xe Bradley với xe tăng, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder nói rằng “Đó không phải là xe tăng, mà là vũ khí diệt tăng! Bradley là xe bọc thép vừa có khả năng hỏa lực, vừa có thể vận chuyển binh sỹ vào chiến trường.”

Trong những năm qua, M2 Bradley đã trải qua nhiều sửa đổi, tùy thuộc vào sự thay đổi của môi trường, yêu cầu của chiến tranh, cũng như theo yêu cầu của các đơn đặt hàng nước ngoài.

Xe Bradley có thể giúp gì cho Ukraine?

Theo ông Jeffrey Edmonds, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, xe Bradley sẽ giúp ích đáng kể ở Ukraine. Bradley có khả năng di chuyển trên nhiều địa hình, kích thước nhỏ gọn và sự cơ động của nó có thể giúp các lực lượng Ukraine tận dụng các bước đột phá phản công và khai thác thành công dọc theo các phòng tuyến của Nga.

Một chiếc M2 Bradley khác của quân đội Mỹ trong màu sơn sa mạc. Ảnh: Getty Images  
Một chiếc M2 Bradley khác của quân đội Mỹ trong màu sơn sa mạc. Ảnh: Getty Images  

Thư ký Báo chí của Lầu Năm Góc Pat Ryder thì khẳng định xe Bradley sẽ “tăng cường đáng kể khả năng thiết giáp vốn đã rất ấn tượng của Ukraine”.

“Chúng tôi tin tưởng phương tiện thiết giáp này sẽ hỗ trợ Ukraine trên chiến trường. Kiev có thể sử dụng hỏa lực của tên lửa TOW trên Bradley kết hợp với xe tăng hiện có như một phần của đội vũ khí kết hợp cơ giới, một chiến thuật chiến đấu tiên tiến mà người Ukraine sẽ được huấn luyện trong những tuần tới,” ông Ryder nói thêm.

Trước đó, Mỹ đã hứa sẽ viện trợ cho Ukraine 60 chiếc M2 Bradley. Và vào đầu tháng 2 vừa qua, các nguồn tin cho biết 60 chiếc M2 Bradley đã cập cảng Bremerhaven, trên bờ biển phía Bắc của Đức. Lô hàng này là một phần của gói hỗ trợ quân sự trị giá hơn 3 tỷ USD mà Nhà Trắng đã công bố hôm 6/1. Washington cho biết đây là gói viện trợ lớn nhất cho Kiev từ trước đến nay.

Con tàu với 60 chiếc Bradley rời Nam Carolina vào ngày 27/1/2023. Đến Đức ngày 9/2, tức là phải mất 14 ngày xe mới đặt chân tới châu Âu. Việc vận chuyển các phương tiện chiến đấu này đến Ukraine được tổ chức bởi Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ (USTRASCOM).

So sánh với các loại xe chiến đấu khác mà Đức và Pháp đã cam kết gửi cho Ukraine, thì xe bọc thép AMX-10 RC của Pháp được trang bị súng 105mm và chở được 4 người. Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức thường được trang bị súng 20mm, kíp lái gồm 3 người và có thể chở 5-6 người tham chiến.

Cả 3 phương tiện nêu trên được kỳ vọng sẽ tăng cường hỏa lực cơ động và năng lực chiến đấu trên bộ cho quân đội Ukraine, đồng thời giúp Kiev tiến hành các chiến dịch phản công.

Liệu những chiếc xe chiến đấu hiện đại này có thể phát huy được hiệu quả trên chiến trường Ukraine, hay sẽ trở thành mục tiêu cho quân đội Nga?

Ukraine từ lâu đã thúc đẩy phương Tây cung cấp các loại vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm cả xe tăng tiên tiến như M1 Abrams, để hỗ trợ các hoạt động của họ. Các quốc gia phương Tây vẫn tỏ ra chần chừ do lo ngại bị lôi kéo vào cuộc xung đột hoặc khiêu khích Nga. Còn NATO không muốn gửi chúng vì lo ngại điều này có thể làm leo thang xung đột hơn nữa.