Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Các đồng tiền châu Á bất ngờ tăng giá trước diễn biến kinh tế bất định

Kinhtedothi - Sự bùng nổ giá trị của các đồng tiền châu Á như đô la Đài Loan (Trung Quốc), đô la Singapore và won Hàn Quốc không chỉ là một biến động ngắn hạn mà còn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong dòng chảy tài chính toàn cầu.

Trong những ngày qua, thị trường tài chính châu Á chứng kiến sự biến động mạnh khi các đồng tiền trong khu vực đồng loạt tăng giá. Trong đó, đồng đô la Đài Loan (Trung Quốc) ghi dấu ấn lớn nhất với mức tăng kỷ lục 10%, kéo theo sự khởi sắc của các đồng tiền khác như won Hàn Quốc, ringgit Malaysia, đô la Singapore, đô la Hong Kong (Trung Quốc) và nhân dân tệ Trung Quốc đại lục.

Các nhà phân tích gọi đây là “cuộc khủng hoảng châu Á ngược”, do hiện tượng này trái ngược hoàn toàn với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998, thời điểm giá trị đồng tiền các nước trong khu vực sụt giảm nghiêm trọng do dòng vốn tháo chạy. Lần này, dòng tiền đang đổ về châu Á, tạo nên một làn sóng mới trong thị trường tiền tệ toàn cầu.

Thị trường tài chính châu Á biến động mạnh khi các đồng tiền trong khu vực đồng loạt tăng giá những ngày qua. Ảnh: Shutterstock

Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này được cho là xuất phát từ các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác đã làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào tính bền vững từ các hoạt động đổ tiền vào Kho bạc và cổ phiếu tại Mỹ. Bên cạnh đó, nỗi lo về suy thoái kinh tế tại xứ cờ hoa càng khiến các nhà xuất khẩu và quỹ đầu tư quay về tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn tại châu Á.

Sự gia tăng giá trị của các đồng tiền châu Á không chỉ là câu chuyện nội bộ của khu vực, mà còn tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs ghi nhận sự thay đổi rõ rệt trong tâm lý nhà đầu tư khi nhiều khách hàng chuyển từ bán khống nhân dân tệ sang đặt cược vào sự tăng giá của đồng tiền này. Điều đó đồng nghĩa với việc họ đang kỳ vọng đồng USD sẽ suy yếu trong tương lai.

Một dấu hiệu đáng chú ý khác là việc các ngân hàng trung ương châu Á bắt đầu giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Cơ quan tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) công bố giảm tỷ trọng đầu tư vào tài sản Mỹ, trong khi các nhà xuất khẩu và quỹ đầu tư trong khu vực cũng đẩy mạnh việc hồi hương vốn. Theo ước tính của ngân hàng UBS, chỉ riêng các công ty bảo hiểm ở Đài Loan có thể bán ra khoảng 70 tỷ USD nếu họ điều chỉnh chiến lược phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Những động thái này cho thấy xu hướng "phi USD hóa" đang ngày càng rõ nét.

ĐỌC NGAY: Biến động tiền tệ châu Á trước khả năng ông Trump đảo ngược chính sách  

Sự tăng giá của các đồng tiền châu Á cũng mang lại luồng gió mới cho thị trường chứng khoán trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại với cổ phiếu châu Á, đặc biệt là những thị trường có nền tảng kinh tế vững chắc như Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc).

Ngân hàng Morgan Stanley và nhiều tổ chức tài chính lớn khác đánh giá cao triển vọng của các cổ phiếu hướng đến thị trường nội địa, như bất động sản, tài chính và hàng tiêu dùng. Trong khi đó, các chiến lược gia nhận định một đồng USD yếu hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy cổ phiếu châu Á vượt trội so với Mỹ, với chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương tăng 4,8% từ đầu năm, trái ngược với mức giảm gần 4% của S&P 500.

Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố bất ổn. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết, và việc đồng nội tệ tăng giá có thể làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Các công ty công nghệ Đài Loan, vốn phụ thuộc lớn vào doanh thu bằng USD, có nguy cơ chịu thiệt hại đáng kể.

Dù vậy, sự dịch chuyển dòng tiền về châu Á đang mở ra một chương mới trong bức tranh tài chính toàn cầu. Nếu xu hướng này tiếp diễn, nó có thể định hình lại trật tự tiền tệ thế giới, nơi đồng USD không còn giữ vị thế độc tôn như trước đây. Đối với các nhà đầu tư, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong việc tìm kiếm các chiến lược phù hợp để tận dụng làn sóng mới từ châu Á.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Starbase - Thành phố tương lai của tỷ phú Elon Musk

Starbase - Thành phố tương lai của tỷ phú Elon Musk

07 May, 04:54 PM

Kinhtedothi - Từ một vùng đất ven biển thưa thớt dân cư, Elon Musk đã đặt nền móng tạo nên thành phố mới nhất của nước Mỹ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tầm nhìn của ông về một "thành phố công ty" dành riêng cho việc khám phá vũ trụ.

Ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo?

Ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo?

07 May, 11:58 AM

Kinhtedothi - Giữa những bức tường khép kín của Nhà nguyện Sistine, 133 Hồng y sẽ bỏ phiếu để chọn ra người kế vị Đức Giáo hoàng Francis. Ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của hơn 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn cầu? Một nhà cải cách tiếp nối di sản của Giáo hoàng Francis, hay một tiếng nói bảo thủ sẽ trở thành người đứng đầu mới của Giáo hội?

Khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 14, thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển

Khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 14, thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển

07 May, 10:21 AM

Kinhtedothi - Đối thoại Biển lần thứ 14 đã chính thức khai mạc sáng 7/5 tại Hà Nội, quy tụ các nhà ngoại giao, học giả và chuyên gia luật biển trong nước và quốc tế, để cùng trao đổi về vai trò của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong bảo vệ hòa bình và ổn định trên đại dương.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ