Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến động tiền tệ châu Á trước khả năng ông Trump đảo ngược chính sách

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào năm 2025 đang làm dấy lên những lo ngại về tác động của các chính sách thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường tiền tệ châu Á.

Biến động tiền tệ sắp tới không chỉ là câu chuyện của các con số, mà còn phản ánh sự cạnh tranh địa chính trị và chính sách kinh tế toàn cầu. Ảnh: Asia Fund Managers
Biến động tiền tệ sắp tới không chỉ là câu chuyện của các con số, mà còn phản ánh sự cạnh tranh địa chính trị và chính sách kinh tế toàn cầu. Ảnh: Asia Fund Managers

Các đồng tiền chủ chốt như nhân dân tệ (CNY), yên Nhật (JPY) và won Hàn Quốc (KRW) được dự báo sẽ chịu áp lực lớn từ đồng đô la mạnh và các đợt áp thuế quan mới của Mỹ.

Theo nguồn tin từ nhiều bên, giới lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc giảm giá đồng CNY nhằm đối phó với khả năng Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Nếu Mỹ tăng thuế thêm 25%, Bắc Kinh có thể hạ giá đồng CNY từ mức hiện tại 7,27 CNY/USD xuống khoảng 7,5 CNY/USD.

Mục tiêu của Trung Quốc là giảm tác động từ thuế quan bằng cách hỗ trợ xuất khẩu, nhưng điều này có thể kích hoạt áp lực giảm giá hàng loạt lên các đồng tiền khác trong khu vực. Một cuộc đua phá giá tiền tệ như giai đoạn 2018-2019 hoàn toàn có thể xảy ra, khiến các nước phụ thuộc xuất khẩu ở châu Á gặp khó khăn.

Việc đồng CNY giảm giá có thể kéo đồng yên Nhật giảm theo. Theo phân tích của Goldman Sachs, JPY hiện có độ nhạy cao hơn với biến động của nhân dân tệ so với các đồng tiền lớn khác.

Dù vậy, đồng yên suy yếu không hẳn mang yếu tố tiêu cực. Đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), đây có thể là điều tốt để hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh BOJ vẫn đang dè dặt với việc nâng lãi suất. Chuyên gia Jain Chandresh từ BNP Paribas dự báo nếu CNY mất giá, đồng yên có thể giảm xuống 156 JPY/USD vào cuối năm 2025, thay vì duy trì ở mức 140 JPY/USD khi không có căng thẳng thương mại.

Tuy nhiên, BOJ vẫn đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Lần tăng lãi suất gần nhất vào tháng 7/2024 đã khiến JPY tăng mạnh, dẫn đến một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Điều này khiến Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phải cân nhắc kêu gọi BOJ thận trọng với chính sách tiền tệ.

Đồng won Hàn Quốc đang trong tình thế yếu nhất kể từ tháng 3/2009, hiện tiến sát ngưỡng 1.445 KRW/USD. Khả năng Mỹ tái áp dụng chính sách bảo hộ thương mại sẽ khiến Hàn Quốc - nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu - chịu áp lực lớn hơn.

Ngoài ra, tình hình chính trị trong nước cũng góp phần làm giảm niềm tin vào đồng KRW. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đang xem xét khả năng luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau các động thái chính trị gây tranh cãi. Những yếu tố này càng khiến đồng won trở thành một trong những đồng tiền dễ tổn thương nhất tại châu Á.

Sức mạnh của đồng đô la Mỹ tiếp tục đè nặng lên thị trường tiền tệ khu vực. Chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index đã giảm tháng thứ ba liên tiếp khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào chính sách lãi suất thấp, thuế quan cao của Trump, điều sẽ thổi bùng lạm phát và giữ đồng đô la ở mức cao.

Giới chuyên gia nhận định, nếu kịch bản thuế quan và phá giá tiền tệ xảy ra, các quốc gia châu Á sẽ phải đối mặt với bài toán cân bằng khó khăn. Các ngân hàng Trung ương trong khu vực cần chuẩn bị những chính sách linh hoạt nhằm ứng phó, trong khi chính phủ các nước cũng phải tìm cách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu để ổn định nền kinh tế nội địa.