Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đức báo tin buồn cho Ukraine giữa lúc chiến sự leo thang

Kinhtedothi - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo Berlin sẽ không chuyển giao tên lửa hành trình cho Taurus cũng như cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

Trong bài trả lời phỏng vấn truyền thông Anh ngày 13/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, Berlin sẽ không gửi tên lửa tầm xa Taurus tới Ukraine, bất chấp yêu cầu mới từ Kiev.

Theo quan chức này, Berlin cũng không thể cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine do số lượng Patriot trong kho vũ khí của quân đội Đức hạn chế.

Bộ trưởng Pistorius lưu ý rằng, Đức chỉ còn 6 hệ thống Patriot đang hoạt động và điều này là quá ít khi xét đến các mục tiêu năng lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

"Đức ban đầu có 12 hệ thống phòng không Patriot. Ba trong số đó đã được chuyển giao cho Kiev. Hai hệ thống khác đã được cho Ba Lan thuê, và ít nhất một hệ thống đang được bảo trì. Điều đó có nghĩa là Đức chỉ còn 6 hệ thống Patriot đang hoạt động... Số lượng này thực sự quá ít, đặc biệt là khi xét đến các mục tiêu năng lực của NATO mà chúng tôi phải đáp ứng. Chúng tôi chắc chắn không thể cung cấp thêm nữa", Bộ trưởng Quốc phòng Đức chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng nước này sẽ không chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Ảnh: DW

Tuy nhiên, ông Pistorius không loại trừ khả năng thảo luận về đề xuất cho phép Đức mua 2 hệ thống Patriot từ Mỹ cho Kiev tại cuộc họp với người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth tại Washington vào ngày 14/7.

Ngoài ra, chính quyền Berlin đang xúc tiến kế hoạch mua sắm quốc phòng dài hạn đến năm 2030, bao gồm các loại xe tăng, tàu ngầm, máy bay không người lái và tiêm kích thế hệ mới.

Trước đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết Berlin sẽ hỗ trợ Ukraine phát triển các hệ thống vũ khí tầm xa riêng, trong bối cảnh các rào cản đối với việc tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga đã được dỡ bỏ, điều mà ông Merz cho biết đã được thống nhất với Mỹ, Anh và Pháp. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Berlin cuối tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, hai bên vẫn đang đàm phán về khả năng chuyển giao tên lửa Taurus nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

Phản ứng trước khả năng Đức có thể viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine, giới lãnh đạo Nga đã bày tỏ quan ngại sâu sắc. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Ukraine sử dụng tên lửa Taurus do Đức hỗ trợ sẽ không thể thay đổi cục diện chiến sự, thay vào đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa Moscow và Berlin.

Cùng quan điểm, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev cho biết Moscow sẽ theo dõi sát bất kỳ hành động nào của Berlin liên quan đến việc cung cấp vũ khí tầm xa hoặc huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng chúng.

Nga từ lâu đã lập luận rằng việc các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine khiến cuộc xung đột leo thang, đồng thời đẩy các nước NATO trở thành bên tham chiến tại Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Slutsky, hồi cuối tháng 5 vừa qua cảnh báo rằng châu Âu sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến “vô nghĩa” nếu Berlin quyết định chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev.

Theo ông Slutsky, việc sử dụng các tên lửa tầm xa như Taurus từ lãnh thổ do Kiev kiểm soát sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây nói rằng nếu các tên lửa Taurus do Đức sản xuất tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Nga, Moscow sẽ xem đó là hành động tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh, nếu Berlin cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev, Moscow sẽ có toàn quyền xem xét mọi phương án để “đáp trả một cách thích đáng”.

Cuộc xung đột Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm, với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng trong mùa Hè này và các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả nào để chấm dứt giao tranh.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/7 thông báo quân đội nước này đã kiểm soát hai làng Mykolaivka và Myrne ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine, trong bối cảnh các lực lượng đang tiến về vùng lân cận Dnipropetrovsk.

Ngôi làng Myrne, có tên gọi thời Liên Xô là "Karl Marx", nằm gần ranh giới hành chính giữa vùng Donetsk và Dnipropetrovsk. Ngôi làng Mykolaivka cách TP Kramatorsk khoảng 24 km về phía Đông Nam. Kramatorsk hiện là trung tâm hành chính tạm thời của vùng Donetsk.

Trên mạng xã hội hôm 13/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng trong tuần trước, Nga đã phóng hơn 1.800 máy bay không người lái (UAV) tầm xa, hơn 1.200 bom lượn và 83 tên lửa đủ loại vào khắp lãnh thổ Ukraine.

Trong đó, ngày 9/7 chứng kiến đợt tấn công bằng UAV lớn nhất từ phía Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cụ thể, phía Ukraine ghi nhận 728 UAV Shahed và những thiết bị đánh lạc hướng, cũng như 7 tên lửa hành trình Kh-101 hoặc Iskander-K và 6 tên lửa đạn đạo Kinzhal.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Mỹ tiên phong "khai tử" màu thực phẩm

Mỹ tiên phong "khai tử" màu thực phẩm

15 Jul, 10:48 AM

Kinhtedothi – Hơn 40 hãng sản xuất kem lớn tại Mỹ vừa tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn phẩm màu nhân tạo khỏi sản phẩm trước năm 2028, đánh dấu bước đi mới trong xu hướng thực phẩm “sạch màu” đang trở nên phổ biến tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ