"Mất hút" sau lễ khởi công
Tháng 5/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Đại Nam - Ong Biển Quảng Trị thực hiện dự án Nhà máy Chế biến nông sản hữu cơ Đại Nam - Ong Biển.
Dự án được triển khai tại xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trên diện tích đất dự kiến khoảng 50ha. Dự án triển khai qua 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Tháng 7/2019, nhà đầu tư đã tổ chức lễ khởi công dự án và dự kiến tháng 10/2019 sẽ hoàn thành giai đoạn 1, đến tháng 10/2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
Kỳ vọng là thế nhưng 3 năm sau lễ khởi công, nhà đầu tư gần như “mất hút”. Khu vực xây dựng nhà máy, khu du lịch sinh thái vẫn chỉ là bãi đất hoang. Thậm chí, nhà đầu tư gần như vắng bóng tại các cuộc họp mà sở, ngành địa phương tỉnh này yêu cầu có mặt để đốc thúc dự án.
Theo báo cáo của các sở, ngành, phía công ty chưa liên hệ để thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng, thủ tục trồng rừng thay thế, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.
UBND huyện Hải Lăng đã đề nghị nhà đầu tư bố trí kinh phí để thực hiện công tác GPMB trước ngày 30/4/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa nhận được kinh phí do công ty chuyển đến.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đại Nam - Ong Biển có nhiều vi phạm theo Luật Đầu tư cũng như các nghị định của Chính phủ, như: Không thực hiện chế độ báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện các dự án, không thực hiện thủ tục đảm bảo thực hiện dự án, chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư…
Cần có và thực hiện các cam kết cụ thể
Tại buổi làm việc ngày 12/8 với UBND tỉnh Quảng Trị, nhà đầu tư đã bày tỏ nguyện vọng xin tiếp tục được gia hạn tiến độ đầu tư và có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư từ tháng 10/2022 (chuẩn bị thủ tục đầu tư) đến tháng 8/2025 (hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 3 của dự án).
Giải trình vì lý do chậm trễ triển khai dự án, phía nhà đầu tư cho rằng do đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn ra phức tạp, việc bố trí nhân sự di chuyển đi lại các địa phương không thực hiện được. Trong khi đó, các cổ đông của Công ty chủ yếu ở tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời, tại văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, phía nhà đầu tư cũng cam kết, sau khi được chấp thuận gia hạn tiến độ đầu tư dự án sẽ tiến hành chuyển tiền giải phóng mặt bằng, đền bù, ký quỹ và triển khai dự án theo tiến độ.
Hiện, phía công ty đã liên lạc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Hải Lăng để thực hiện hợp đồng kiểm đếm quy chủ và kế hoạch chuyển tiền đền bù trong tháng 8 năm 2022.
Sau khi nghe ý kiến, cam kết của nhà đầu tư cũng ý kiến của các sở, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã chia sẻ những khó khăn với nhà đầu tư do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời ghi nhận những đồng hành ban đầu của nhà đầu tư với địa phương.
Tuy nhiên, những vấn đề chậm triển khai thực hiện dự án cho thấy nhà đầu tư thực sự chưa quyết tâm thực hiện dự án. Trong khi đó, các thủ tục, công tác hỗ trợ cho nhà đầu luôn được địa phương và các sở, ngành thực hiện tốt nhất. Bên cạnh đó, khu vực triển khai thực hiện dự án được xem là “quy hoạch vàng” khi gần đường giao thông, việc giải phóng mặt bằng ít vướng mắc.
Trước đề xuất của các sở, ngành và địa phương cũng như cam kết của các nhà đầu tư, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công ty có báo cáo lý do cụ thể việc chậm triển khai dự án. Đồng thời, về chủ trương đồng ý cho phía Công ty gia hạn và hướng dẫn các thủ tục gia hạn tiến độ đầu tư dự án.
Ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, Công ty cần cam kết gia hạn trong thời hạn cho phép theo các quy định của pháp luật và có những cam kết triển khai thực hiện dự án cụ thể, chi tiết. Nếu nhà đầu tư không quyết tâm thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có các thủ tục xử lý theo quy định của Luật Đầu tư.