Theo báo cáo công tác y tế 3 ngày nghỉ Tết của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ sáng 10/2 (tức 29 Tết) đến sáng 13/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu), các cơ sở khám, chữa bệnh đã thường trực cấp cứu, đón gần 7.300 em bé chào đời, thực hiện khám, cấp cứu cho trên 125.400 bệnh nhân, giảm 50% so với Tết năm ngoái. Đáng chú ý, các loại cấp cứu như: Tai nạn đánh nhau, tai nạn giao thông, ngộ độc... đều giảm so với Tết năm ngoái, chỉ có tai nạn pháo nổ tăng.
Cụ thể, trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên đã có gần 2.000 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, giảm 44% so với cùng kỳ của Tết Canh Tý 2020. Trong đó, 814 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi (chiếm 73%) và đã có 6 trường hợp tử vong (giảm 50% so với cùng kỳ Tết Canh Tý).
Cũng trong 3 ngày nghỉ Tết, có 30.507 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 17,6% so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Trong đó, 11.497 trường hợp phải nhập viện điều trị (chiếm 37,7% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông), giảm 8,4% so với cùng kỳ Tết Canh Tý.
Ngoài ra, trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên của năm Tân Sửu, tổng cộng gần 6.000 trường hợp đã được khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 15,2% trong tổng số khám, cấp cứu tại bệnh viện, trong đó 3 trường hợp đã tử vong.
Bên cạnh đó, số trường hợp cấp cứu do ngộ độc thức ăn trong 3 ngày Tết là gần 2.200 ca, giảm 19,3% so với cùng kỳ Tết Canh Tý, trong đó có 521 ca ngộ độc rượu, bia, 423 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến.
Tuy nhiên, sau 3 ngày nghỉ Tết, đã có 321 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, không có ca tử vong, nhiều hơn 34 ca so với cùng kỳ Tết Canh Tý.
Ngoài ra, năm nay, Bộ Y tế cũng thu thập cả số liệu cấp cứu do vũ khí cùng vật liệu nổ khác. Trong 3 ngày nghỉ Tết, có 108 trường hợp cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ khác; 1 ca tử vong do bị bắn.