Nhưng tất cả những điều đó đều không ngăn cản vòng thứ 8 cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sắp diễn ra. Giữa hai nước này có không ít bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích nên đấu khẩu là chuyện không tránh khỏi, nhưng họ cũng lại có lợi ích chung trong quan hệ hợp tác nên dẫu có đấu khẩu nhau đến mấy thì rồi họ cũng sẽ lại đối thoại với nhau.
So với những lần trước, vòng thứ 8 cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế năm nay giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình chung không được thuận lợi. Ở Mỹ sắp có sự thay đổi tổng thống và bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên lại trở nên thời sự. Ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng có sự thay đổi cá nhân và đảng cầm quyền. Mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc về những hành vi của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông không chỉ công khai mà còn trở nên sâu sắc hơn. Trung Quốc đang chuẩn bị cho đại hội tới của đảng cầm quyền. Như thế có nghĩa là không chỉ thấy nhiều nhân tố tác động hơn mà còn có nhiều diễn biến với tác động hiện khó có thể trù đoán được. Chúng buộc hai bên lại phải thử nhau và dền dứ, dự phòng con chủ bài và tính kỹ thời điểm đi vào nhượng bộ lẫn nhau. Cũng chính vì thế mà lần đối thoại chiến lược và kinh tế này không dễ dàng thành công đối với Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nó cũng không sẽ thất bại bởi hai nước có lợi ích chung là duy trì đối thoại và hợp tác, có bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích nhau đến mấy và trên lĩnh vực nào thì cũng không để quan hệ trở nên đối địch và càng không để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên vừa tự xác định ra giới hạn riêng cho mình vừa ý thức được về giới hạn chung trong cả đấu khẩu lẫn hành động cụ thể trên thực địa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: Reuters) |