Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau khủng hoảng khí đốt, thị trường than châu Âu lại lên “cơn sốt” giá

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia Alex Thackrah, người đứng đầu bộ phận định giá than của Argus Media, nói rằng nhu cầu than đá tại châu Âu hiện tăng mạnh khi nhiều nước bắt đầu tái khởi động các nhà máy điện chạy bằng than.

Vì sao thị trường than đá “nóng” trở lại?

Theo trang Businessinsider, than đá đang được chú ý trở lại như một nguồn năng lượng quan trọng tại châu Âu trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua tìm giải pháp ổn định an ninh năng lượng khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Do nhu cầu tăng cao, giá than đá tại châu Âu hiện tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga giảm mạnh nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 trong những tháng gần đây. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng tới 300% tính từ đầu năm đến nay và ghi nhận mức cao kỷ lục vào tháng 8 vừa qua.

Giá than đá tại châu Âu hiện tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Ảnh: Getty
Giá than đá tại châu Âu hiện tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Ảnh: Getty

Điều này đã thúc đẩy các công ty điện ở Áo, Hà Lan và Italia cân nhắc việc sử dụng than trở lại. Trong khi đó, một số nước như Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang chuyển sang sử dụng than để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trước khi mùa Đông đến. Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức đã hồi sinh một nhà máy chạy bằng nhiên liệu than băng phiến cho đến tháng 4/2023.

Phát biểu trên tờ Businessinsider, chuyên gia Fabian Rønningen của Rystad Energy nhận xét: “Than đá là lựa chọn rẻ hơn để sản xuất điện trong hầu hết năm 2022 và cũng đã được thúc đẩy bởi tình trạng khan hiếm khí đốt ở châu Âu. Với mức giá hiện tại, than đá dự kiến ​​sẽ là lựa chọn cạnh tranh hơn trong 2,5 năm tới”.

Theo dữ liệu của Rystad Energy, sản lượng điện sử dụng than đã tăng hơn 20% ở Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh kể từ năm 2021. Các nước châu Âu đã đẩy mạnh tiêu thụ than trong những tháng gần đây.

Ole Hvalbye - nhà phân tích tại Ngân hàng SEB của Thụy Điển cho biết: “Cùng với đà leo dốc của giá khí đốt, giá than đá chắc chắn sẽ tiếp tục biến động trong những tháng sắp tới”.

Nỗi lo gián đoạn nguồn cung vào mùa Đông

Áp lực đang đè nặng lên các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho những tháng mùa Đông năm nay khi các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng nhiều điện hơn.

"Chúng tôi dự báo một mùa Đông rất khó khăn ở phía trước. Quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ rất khó khăn, và châu Âu cần phải tăng tốc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như cơn bão giá với mặt hàng than đá” - nhà phân tích Ole Hvalbye cho biết.

Trong khi đó, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU đã có hiệu lực từ tháng 8. Theo ngân hàng Commerzbank, EU nhập khẩu gần một nửa than từ Nga, phần lớn chuyển đến Đức và Hà Lan. Theo đó, những quốc gia này sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Australia và Nam Phi.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới để bù lắp nguồn cung nhiên liệu từ Nga có thể rất khó khăn vì thị trường than toàn cầu hiện đang rất eo hẹp. Theo chuyên gia Fabian Rønningen, tốc độ tăng sản lượng than đá trên thế giới diễn ra khá chậm, đặc biệt là ở các nước như Austrlia hoặc Indonesia.

Đà tăng giá của than sẽ kéo dài trong ngắn hạn?

Trong tuần qua, giá than toàn cầu đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 khi cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt tại châu Âu cũng đang ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu.

“Các nhiên liệu hóa thạch khác như dầu mỏ và than đang chảy từ thị trường toàn cầu sang châu Âu do giá cả ở đó cao ngất ngưởng. Kết quả là, giá than của châu Âu và Australia hiện cao hơn khoảng 5 lần so với mức bình thường”, nhà phân tích Fabian Rønningen cho hay.

Đầu năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng mức tiêu thụ than của thế giới dự kiến ​trong năm nay ​sẽ thiết lập mức cao chưa  từng thấy trong vòng 1 thập kỷ gần đây do ảnh hưởng từ cuộc xung dột tại Ukraine.

Chuyên gia Hvalbye tại ngân hàng SEB của Thụy Điển nhận thấy, nhiều khả năng giá than sẽ tiếp tục tăng vì áp lực từ nguồn cung của Nga sẽ khó chấm dứt sớm. Trong khi đó, nhà phân tích Fabian Rønningen cho rằng EU sẽ tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và điều đó sẽ dẫn đến việc giảm lượng than ở châu Âu chậm nhất là vào năm 2024. “Trong ngắn hạn, chúng ta đang chứng kiến ​​sự trở lại của than. Nhưng về lâu dài là không quá nhiều”, ông cho biết.