Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sau Tết, người trồng đào, quất vào vụ mới

Kinhtedothi - Như thường lệ, khi những ngày vui Tết đã qua, người trồng đào, quất lại hối hả bắt tay vào vụ mới chuẩn bị cho Tết năm sau. Để có được một cây đào, chậu quất cảnh đẹp đến với mỗi gia đình, đòi hỏi sự dày công chăm sóc, vun xới của người nông dân trong suốt cả một năm trời.
Hối hả vào vụ

Sau Tết là thời điểm các thợ cây tất tả đi thu gom các cây đào đã cho thuê quay trở lại vườn. Theo ông Đỗ Văn Lan, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, đây là công việc mà nhà vườn phải hoàn tất nằm trong hợp đồng cho thuê đào cảnh chơi Tết. Gốc đào cũ sau khi gom về được trồng lại trên đất màu mới chuẩn bị phục vụ cho người dân chơi Tết năm sau. Dù đã ngoài Tết, nhưng không khí lao động trong vườn nhà ông Lan cũng như các vườn đào khác ở Nhật Tân tấp nập không kém thời điểm giáp Tết. Xe kéo, xe ba gác, người làm thuê làm việc không ngơi tay. "Một năm chúng tôi chỉ nghỉ mấy ngày Tết rồi lại bắt tay vào làm việc ngay" - ông Lan chia sẻ.
Trồng gốc đào rừng mới ở xã Uy Nỗ , huyện Đông Anh.           Ảnh: Quang Thiện
Trồng gốc đào rừng mới ở xã Uy Nỗ , huyện Đông Anh. Ảnh: Quang Thiện
Cũng như ở Nhật Tân, những ngày giữa tháng Giêng, khu trồng đào, quất của xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh người đông như hội bởi hầu hết các hộ dân đều ra đồng trồng cây vụ mới. Người đào hố, người trồng, tưới… tiếng cười nói rộn rã khắp nơi. Ông Lập, chủ vườn đào Đình Lập, xã Uy Nỗ tất bật bên những gốc đào rừng chừng 4 - 5 năm tuổi mua từ Lạng Sơn về. Vừa cưa cành, sửa rễ tạo thế cho đào, ông Lập vừa chỉ đạo mấy người làm thuê chở đất màu mới mua vun cho cây. Vụ đào năm nay, ông Lập đã mạnh dạn đầu tư gần 50 triệu đồng để mua gốc đào rừng và đất màu về trồng lứa mới. Không chỉ cây đào, thời điểm này, các hộ trồng quất ở khu vực Đông Anh, Tây Hồ... cũng bắt đầu vào vụ mới với những công việc như cuốc đất, vun luống, bơm nước tưới cây. Đối với những cây quất to, sau khi thu gom về sẽ được chủ vườn phun thuốc kích thích ra rễ. Nhiều hộ gia đình tận dụng thời gian "đất nghỉ", cây quất chưa kịp hồi để gieo xen thêm đậu tương, các cây hoa màu mới, vừa cho thêm thu nhập, vừa tăng thêm lượng đạm cho đất.

Mong ước được mùa

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, giá đào, quất chỉ tương đương so với năm trước, trong khi chi phí đầu tư tăng cao hơn. Tuy nhiên, theo các hộ trồng đào, quất, thu hoạch từ những cây trồng này vẫn cao hơn so với trồng lúa hay cây hoa màu khác. Bà Nguyễn Thị Chỉ, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh trồng đào được 6 năm nay cho biết, gia đình bà trồng 2 sào với gần 300 gốc đào. Tết Nguyên đán vừa rồi, tỷ lệ cây cho thu hoạch đạt 80%, trừ chi phí thu về 40 triệu đồng. "So với cấy lúa, mức thu nhập này vẫn cao hơn rất nhiều. Do đó, dù chăm sóc vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn hy vọng được mùa vào Tết năm sau" - bà Chỉ tâm sự. Theo các hộ trồng đào, sau khi được trồng lại, chỉ khoảng tháng 3 - 4 đào sẽ phát triển mạnh lộc non. Lúc đó, người dân sẽ thực hiện kỹ thuật bấm ngọn, dần dần tạo thế cho cây. Còn với cây quất, đợt ra hoa đầu năm sẽ được hái bỏ, đến đợt ra hoa tháng 6 - 7 mới giữ lại quả, nuôi đến vụ Tết.

Ông Nguyễn Vũ Trình, thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc cho biết, nếu người dân tự ươm được quất giống thì chi phí sản xuất sẽ giảm, cho thu nhập cao hơn. Vụ Tết vừa qua, với 2 sào quất, gia đình ông Trình đã thu về gần 50 triệu đồng. Do đó, năm nay ông mở rộng diện tích, trồng thêm gần 100 cây với hy vọng tăng thêm thu nhập.

Bà Ngô Thị Ngà - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho biết, toàn phường có 15ha trồng quất giống và quất thương phẩm. Mặc dù còn phụ thuộc vào thời tiết và giá cả, song trồng quất vẫn là nghề mang lại thu nhập chính cho đa số hội viên nông dân trên địa bàn. Hiện nay, nguồn quất giống gặp nhiều khó khăn nên Hội Nông dân phường Tứ Liên đã kiến nghị Hội Nông dân TP hỗ trợ xây dựng mô hình trồng quất giống để giúp bà con chủ động nguồn giống. Đồng thời, Hội cũng làm việc với các ngân hàng tạo cơ chế hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất.

Sau Tết, cùng với các phong trào ra quân, xuống đồng, những người trồng đào, quất cảnh cũng đang hối hả bước vào một vụ mới!.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bức tranh nông thôn mới ở miền biên viễn Điện Biên

Bức tranh nông thôn mới ở miền biên viễn Điện Biên

14 Jul, 01:40 PM

Kinhtedothi – Từ vùng đất nông nghiệp truyền thống, nhiều bản làng ở Điện Biên đã “thay da đổi thịt” nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Không chỉ là những con đường bê tông, nhà văn hóa khang trang, mà còn là sự đổi thay trong tư duy phát triển, ứng dụng công nghệ và phát huy nội lực cộng đồng.

Quảng Ngãi: gõ cửa từng nhà, gom dữ liệu nông thôn

Quảng Ngãi: gõ cửa từng nhà, gom dữ liệu nông thôn

07 Jul, 10:41 AM

Kinhtedothi-Từ đầu tháng 7, Quảng Ngãi đồng loạt ra quân thực hiện cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025. Dữ liệu thu thập lần này sẽ là cơ sở quan trọng cho hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn phù hợp với giai đoạn mới, đặc biệt sau khi địa phương mở rộng địa giới hành chính.

Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

01 Jul, 11:06 PM

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục thực hiện các chương trình, phong trào thi đua, kiên trì, kiên định để thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và "giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững".

Gia tăng giá trị cho nông nghiệp Hà Nội

Gia tăng giá trị cho nông nghiệp Hà Nội

01 Jul, 03:18 PM

Kinhtedothi – Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Hà Nội lựa chọn phát triển nông nghiệp đa giá trị, song vẫn mang những đặc trưng, hài hòa với quy hoạch đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ