Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau vụ chuyên gia hạt nhân bị ám sát, Iran gia tăng sức ép đối với JCPOA

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng Giám hộ Iran ngày 2/12 đã thông qua một luật ngừng hoạt động thanh sát hạt nhân của Liên Hợp quốc (LHQ) và tăng cường làm giàu urani.

Hãng thông tấn Fars của Iran hôm 2/12 cho biết sau khi thông qua một luật ngừng hoạt động thanh sát của LHQ và tăng cường làm giàu urani, Hội đồng Giám hộ Iran - có chức năng giám sát luật pháp - đã gửi văn kiện này lên Tổng thống Hassan Rouhani để ký ban hành.
Iran tiếp tục gây sức ép đối với thỏa thuận JCPOA.
Dự luật vẫn cần trải qua nhiều bước nữa để có thể trở thành luật. Văn bản này được xem là động thái đáp trả của Tehran sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei là người quyết định cuối cùng mọi chính sách hạt nhân của Iran.
Dự luật đặt ra thời gian 2 tháng để các cường quốc châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức, nới lỏng trừng phạt đối với ngành dầu khí có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Iran, và khôi phục quyền tiếp cận của Iran đối với hệ thống ngân hàng quốc tế.
Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt trừng phạt Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dẫn đến hàng loạt bước leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Dự luật này cho phép chính phủ Iran khôi phục hoạt động làm giàu uranium lên 20%, thấp hơn ngưỡng cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng cao hơn mức dành cho các ứng dụng dân sự. Dự luật cũng cho phép trang bị thêm lò phản ứng tại các cơ sở hạt nhân ở Natanz và cơ sở Fordo dưới lòng đất.
Dự luật được trình lên Quốc hội Iran từ tháng 8, nhưng giờ có thêm động lực sau vụ ông Mohsen Fakhrizadeh, người đứng đầu chương trình mà Israel và phương Tây cáo buộc là hoạt động quân sự nhằm tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trước đó, hôm 29/11, Quốc hội Iran đã yêu cầu quốc tế ngừng tất cả các cuộc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Đây được coi là  tín hiệu báo hiệu về khả năng Tehran sẽ rút khỏi các cam kết chính trong Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 có tên gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Giới quan sát nhận định dự luật sẽ khiến Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, dự định nhậm chức vào ngày 20/1/2021, gặp khó khăn hơn trong việc quay lại thỏa thuận hạt nhân đa phương.
Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ quay lại hiệp ước hạt nhân và sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran nếu Tehran "tuân thủ nghiêm các thỏa thuận trong JCPOA”.
Ariane Tabatabai - nhà nghiên cứu Trung Đông tại Quỹ Marshall và trường Đại học Columbia, cho biết: “Hiện có nhiều áp lực hơn đối với chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani trong việc đảm bảo chắc chắn Mỹ sẽ quay trở lại JCPOA”.
Trước đó, ngày 18/11, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này sẽ tự động quay lại các cam kết hạt nhân nếu Tổng thống đắc cử Joe Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với quốc gia Hồi giáo này trong 2 năm qua. Ngoại trưởng Zarif nêu rõ việc Iran quay lại với các cam kết có thể được thực hiện mà không cần bất kỳ điều kiện nào.
Dự kiến, các nước còn lại trong thỏa thuận JCPOA là Anh, Đức, Pháp, Nga, Iran và Trung Quốc sẽ nhóm họp tại thủ đô Vienna, Áo vào ngày 16/12 tới đây.