Sẽ bố trí camera giám sát thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “Một cửa”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo số 155/BC-UBND về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2011, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC năm 2012.

Theo đó, trong năm 2011, CCHC vẫn được TP xác định là một khâu đột phá trong hoạt động của chính quyền các cấp, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), triển khai các phương án đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng hoạt động cơ chế của “một cửa” và “một cửa” liên thông, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong cải cách thể chế hành chính, TP đã kiểm tra việc thực hiện, ban hành các văn bản QPPL đối với 8 sở, ngành và 9 quận, huyện, thị xã; Sở Tư pháp đã rà soát 485 văn bản QPPL do 16 cơ quan đề nghị TP ban hành, trong đó có 250 văn bản còn hiệu lực; 70 văn bản cần sửa đổi, thay thế, bổ sung, bãi bỏ; 165 văn bản hết hiệu lực thi hành; đề nghị ban hành mới 30 văn bản… Trong công tác cải cách TTHC, trên cơ sở thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC, UBND TP đã ban hành 1.183 TTHC thực hiện tại các sở, ngành; 256 TTHC thực hiện tại cấp huyện và 147 TTHC thực hiện tại cấp xã.

Cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông tiếp tục được thực hiện rộng rãi, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công dân khi giải quyết các TTHC. TP đã chỉ đạo mỗi quận, huyện, thị xã lựa chọn ít nhất 2 xã, phường, thị trấn tiến hành làm điểm về tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông để rút kinh nghiệm và tiến hành nhân rộng. Trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, nhiều đơn vị đã đầu tư và thực hiện khá tốt như UBND các quận, huyện: Ba Đình, Tây Hồ, Quốc Oai, Hoàng Mai, Hà Đông. Nhiều đơn vị thời kỳ sau sáp nhập còn nhiều trì trệ trong CCHC, chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, nhưng đến nay đã có sự đổi mới đáng kể như UBND huyện Mê Linh.

Từ đầu năm đến nay, UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các cơ quan hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở trên cơ sở năng lực của từng đơn vị, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị. Các cơ quan, đơn vị của TP cũng tích cực ứng dụng CNTT, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 để hiện đại hóa quy trình giải quyết công việc. Việc sử dụng hòm thư điện tử để chuyển nhận công văn, giấy tờ giữa các cơ quan đã dần đi vào nền nếp, giúp giảm thời gian và chi phí, đồng thời tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

Hà Nội cũng được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác rà soát TTHC theo Đề án 30. Sau 2 tháng triển khai thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), đến nay, cơ bản các đơn vị đã thực hiện khá đầy đủ công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động KSTTHC: Ban hành các công văn về việc rà soát, công khai bộ TTHC thuộc thẩm quyền; thiết lập đầu mối thực hiện KSTTHC và tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức... Đáng mừng, nhiều đơn vị đã sáng tạo các hình thức công khai khá phong phú và hiệu quả như UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên). Ngoài việc niêm yết tại trụ sở, UBND phường đã in danh mục TTHC, dán vào tấm bảng nhỏ rồi niêm yết tại 17/18 tổ dân phố trên địa bàn, giúp người dân không phải đi xa mà có thể tìm hiểu ngay được thủ tục mình cần.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện CCHC ở Hà Nội vẫn còn những tồn tại. Đó là chất lượng rà soát đơn giản hóa chưa cao, nhiều sở, ngành chưa đánh giá tác động các qui định về TTHC trong dự thảo VBQPPL trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định; số hồ sơ chậm trả ở một số đơn vị còn cao, từ 5-10%; cá biệt ở huyện Gia Lâm còn tình trạng “sổ đỏ” đã ký nhưng chưa trả cho công dân, xã Tiên Dược (huyện Đông Anh) lại cấp “sổ đỏ” theo đợt…

Để khắc phục tình trạng này, năm 2012, Hà Nội tiếp tục xác định CCHC là một khâu đột phá, và đề ra 11 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, đáng chú ý là  nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ, nhất là kỹ năng ứng xử trong giao dịch hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và triển khai các kế hoạch về khảo sát, giám sát việc thực hiện TTHC tại các bộ phận “một cửa” (như bố trí camera giám sát, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra); tiếp tục triển khai kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần