Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẻ chia những điều tốt đẹp

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thông điệp "Tôi trưởng thành -Tôi tỏa sáng”, những năm qua, chương trình “Người Việt trẻ” không chỉ tuyên truyền, vận động hàng nghìn người hiến máu tình nguyện, mà còn là dịp khuyến khích những người trẻ tuổi biết yêu thương, sẻ chia, lan tỏa những điều tốt đẹp tới cộng đồng.

 Các bạn trẻ hào hứng tham gia hiến máu trong ngày hội Người Việt trẻ 2019.

Mỗi người hiến máu là một câu chuyện đẹp
Có mặt tại chương trình "Người Việt trẻ" lần thứ 9 từ sáng sớm 10/11, Bùi Văn Chí Dũng (22 tuổi), sinh viên năm thứ 4 trường Đại học (ĐH) Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng 3 người em họ hào hứng tham gia hiến máu. Dũng cho biết: “Đây là lần thứ 4, tôi tham gia hiến máu tình nguyện. Sau mỗi lần tham gia hiến máu, tôi đều có cảm giác như đã vượt qua chính bản thân mình. Có rất nhiều người bệnh cần đến máu nên khi mình khỏe mạnh thì không có lý do gì lại không tham gia hiến máu”.
Người Việt trẻ” lần thứ 9 (diễn ra từ ngày 9 - 10/11) trở lại với 12 biệt đội với những gam màu thể hiện rõ nét tinh thần, sức trẻ của thanh niên: Năng động, sáng tạo, tự tin, xung phong, sẵn sàng, dũng cảm, tỏa sáng, thân thiện, bản lĩnh, hăng hái, nhiệt huyết, trẻ trung. Với gần 1.000 tình nguyện viên, “Người Việt trẻ” 2019 quyết tâm vận động được tối thiểu 1.200 đơn vị máu. 

Đặc biệt, Dũng cũng cho hay, 4 anh em Dũng đều là thành viên của gia đình hiến máu ông Lê Đình Duật (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) - “sứ giả đỏ” của phong trào hiến máu cứu người với 21 năm kêu gọi gần 1.000 lượt người tham gia hiến máu với hơn 600 đơn vị máu an toàn.
Dù là lần thứ 4 tham gia hiến máu tình nguyện nhưng Mai Thùy Linh (19 tuổi) sinh viên năm thứ hai, trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn có cảm giác hồi hộp, sợ hãi khi mũi kim chạm vào tay. Thùy Linh cho biết, bản thân rất quan tâm và thường xuyên cập nhật những chương trình hiến máu. “Chương trình “Người Việt trẻ” đã thôi thúc những người trẻ như chúng tôi muốn làm một việc gì đó có ích cho cộng đồng. Dù có cảm giác sợ hãi nhưng khi biết được ý nghĩa nhân văn của chương trình hiến máu thì nỗi sợ hãi đó đã tan biến” - Thùy Linh xúc động chia sẻ.
Thói quen tạo dựng nhân cách
Còn với Lê Văn Bảy (26 tuổi, Sầm Sơn, Thanh Hóa) tham gia hiến máu lần đầu tiên với lý do thật đặc biệt. Anh Bảy cho biết, trước đó, bản thân bị tai nạn và đã được hồi sinh nhờ những giọt máu từ cộng đồng. Bởi vậy, giờ anh muốn làm điều gì đó cho chương trình ý nghĩa này. “Những giọt máu của mình hiến tặng tuy nhỏ bé nhưng hy vọng sẽ có ích đối với người bệnh. Một cá nhân có thể không làm nên điều kỳ diệu nhưng nhiều người cùng tham gia thì sẽ có ý nghĩa to lớn giúp cho cộng đồng” - anh Bảy tâm sự.
Phó trưởng Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư) Nguyễn Văn Nhữ cho biết, tiếp nối sự thành công của 8 năm qua, chương trình “Người Việt trẻ“ lần thứ 9 trở lại cùng thông điệp "Tôi trưởng thành - Tôi tỏa sáng” với mong muốn những bạn trẻ tham gia chương trình sẽ rèn luyện sự tự tin, năng động, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết và đam mê với hoạt động tình nguyện. "Mỗi con người hình thành giá trị nhân văn bằng những hành vi cụ thể. Hành vi tạo dựng thói quen, thói quen tạo dựng nhân cách. Khi thực hiện hành động cao đẹp là hiến máu và vận động hiến máu thì chính các bạn đã trở thành người tử tế, biết sống vì mọi người” - ông Nhữ chia sẻ.