Thực trạng phát triển AI tại Việt Nam
Theo số liệu mới đây của Statista, Quy mô thị trường Trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới dự kiến sẽ đạt 184 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024. Quy mô thị trường dự kiến sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2030) là 28,46%, dẫn đến khối lượng thị trường là 826,70 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhằm nâng cao vị thế của nước này trong lĩnh vực công nghệ AI khu vực và thế giới. Mục tiêu bao gồm tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng.
Những năm gần đây, AI đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại, y tế, giáo dục, sản xuất tại Việt Nam, cụ thể: công nghệ AI được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh; phân tích dữ liệu y tế và chăm sóc bệnh nhân; phát triển các giải pháp giao thông thông minh…
Từ đó, Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc khi đứng thứ 5/10 nước trong ASEAN, đứng thứ 59/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2023" theo đánh giá của Oxford Insights. Đáng chú ý, đây đã là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Kết quả ấn tượng này không chỉ phản ánh sự đầu tư và nỗ lực phát triển AI tại Việt Nam, mà còn là minh chứng rõ ràng cho xu hướng hình thành nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy AI, từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực tiềm năng, đến sự sẵn sàng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Không dừng lại ở tiềm năng, Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến thực chất qua các doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực AI như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC, VinAI... Nhiều doanh nghiệp đã đạt được các thành tựu nghiên cứu ứng dụng nổi bật mà còn góp phần xây dựng nền tảng cho một hệ sinh thái AI phát triển, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của khu vực.
Phát triển và quản lý giảm thiểu rủi ro đối với AI
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ số đột phá có tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những thách thức về rủi ro đối với con người, xã hội. Như: Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng trong lĩnh vực AI, chất lượng dữ liệu và khả năng chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; nền tảng cho AI như dữ liệu và phần mềm còn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến việc ứng dụng AI vào thực tiễn gặp khó khăn; các vấn đề pháp lý xung quanh việc sử dụng AI vẫn chưa được quy định rõ ràng, bao gồm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền sở hữu trí tuệ…
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã dành 1 chương quy định về AI nhằm bảo đảm khuyến khích, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và có biện pháp quản lý giảm thiểu rủi ro nhằm bảo đảm công nghệ số này được khai thác một cách có trách nhiệm, thúc đẩy niềm tin và đảm bảo an toàn cho con người.
Nhấn mạnh AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lấy con người làm trung tâm, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Tiếp cận bao trùm, công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư. Bảo đảm minh bạch, khả năng giải thích được, trách nhiệm giải trình, khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo…
Dự thảo Luật quy định quản quản lý rủi ro đối với hệ thống AI; trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo; nhãn và quy trình, thủ tục dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống AI.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Đây là cơ chế rất quan trọng, đột phá tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành công nghệ số nói chung và AI nói riêng.