Sẽ có thuốc điều trị Covid-19 giá rẻ cho nước nghèo?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là mục tiêu của một chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với các công cụ ứng phó với Covid-19.

Hãng tin Reuters ngày 19/10 dẫn nguồn tin thân cận cho biết, WHO dự kiến sẽ đề xuất chương trình nhằm cung cấp vaccine, bộ xét nghiệm và phương pháp điều trị với giá thấp nhất là 10 USD/liệu trình cho các quốc gia thu nhập thấp. 
Molnupiravir - thuốc điều trị đang trong thử nghiệm của công ty dược phẩm Merck có thể là một trong những loại thuốc được sử dụng trong chương trình trên.
 Mặc dù không trích dẫn rõ ràng về Molnupiravir, tài liệu ACT-A dự kiến ​​loại thuốc này sẽ được sử dụng trong chương trình cung cấp thuốc điều trị cho các quốc gia thu nhập thấp. Ảnh: Reuters. 
Theo mục tiêu của Chương trình Tăng tốc Tiếp cận Công cụ Covid-19 (ACT-A) cho đến tháng 9 năm sau, chương trình dự kiến cung cấp khoảng 1 tỷ kit xét nghiệm Covid-19 cho các quốc gia nghèo và mua thuốc để điều trị cho 120 triệu bệnh nhân trên toàn cầu, trong số khoảng 200 triệu trường hợp mắc mới ước tính sẽ xuất hiện trong 12 tháng tới.
Cụ thể hơn, thông qua chương trình, WHO sẽ cung cấp thuốc điều trị và bộ xét nghiệm với giá tương đối thấp cho các nước thu nhập thấp vốn đang thất thế trong cuộc chạy đua vaccine trước các quốc gia giàu có, hiện chiếm một phần lớn nguồn cung cấp trên thế giới.
Người phát ngôn của ACT-A cho biết tài liệu này vẫn là một bản dự thảo đang được tham vấn. Tài liệu cũng sẽ được gửi tới các nhà lãnh đạo toàn cầu trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vào cuối tháng này.
ACT-A yêu cầu G20 và các quốc gia khác viện trợ thêm 22,8 tỷ USD cho đến tháng 9/2022, khoản vốn cần thiết để mua và phân phối vaccine, thuốc và kit xét nghiệm cho các quốc gia nghèo, đồng thời thu hẹp khoảng cách lớn về nguồn cung giữa các quốc gia. Các nhà tài trợ cho đến nay đã cam kết 18,5 tỷ USD cho chương trình.
Các yêu cầu tài chính dựa trên ước tính chi tiết về giá thuốc, phương pháp điều trị và xét nghiệm, sẽ chiếm phần lớn chi phí của chương trình cùng với chi phí phân phối vaccine.
Mặc dù không trích dẫn rõ ràng về Molnupiravir, tài liệu ACT-A dự kiến ​​sẽ trả 10 USD/liệu trình cho "thuốc kháng virus đường uống mới cho bệnh nhân nhẹ hoặc trung bình".
Các loại thuốc khác để điều trị bệnh nhân nhẹ đang được phát triển, nhưng Molnupiravir là loại duy nhất cho đến nay cho kết quả khả quan trong các thử nghiệm giai đoạn cuối.
Theo Reuters, giá này khá thấp nếu so với mức 700 USD mà Mỹ đã nhất trí chi cho 1,7 triệu liệu trình điều trị. Tuy nhiên, một nghiên cứu do trường đại học Harvard thực hiện ước tính rằng Molnupiravir có thể có giá khoảng 20 USD/liệu trình điều trị nếu được sản xuất bởi các nhà sản xuất thuốc thông thường, với mức giá có thể giảm xuống còn 7,7 USD trong điều kiện sản xuất được tối ưu hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần