Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Trần Quốc Đông, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết: Tổng Công ty ĐSVN đã thống nhất dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên.

KTĐT - Ông Trần Quốc Đông, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết: Tổng Công ty ĐSVN đã thống nhất dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên.

Thay vào đó, cầu đường sắt trên cao thuộc tuyến đường sắt trên cao Yên Viên – Ngọc Hồi (tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1) sẽ thực hiện nhiệm vụ cho tàu hoả lưu thông qua như cầu Long Biên hiện nay.

Theo ông Đông, việc bố trí này sẽ giảm tải trọng cho cầu Long Biên, đồng thời, hoàn chỉnh hơn nữa việc lưu thông của các loại hình phương tiện khác. Hiện Tổng Công ty đã phê duyệt phương án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1 này chỉ cách cầu Long Biên khoảng 30m nằm về phía thượng lưu sông Hồng. Phương án này đã nhận được sự đồng tình từ Chính phủ và UBND TP Hà Nội.

Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), cầu Long Biên được xây dựng năm 1899 - 1902 với một làn đường sắt chạy giữa và hai làn đường xe nhẹ chạy hai bên. Trải qua trên 100 năm tồn tại và hai cuộc chiến tranh, đến nay cầu Long Biên đã bị hư hỏng nặng nề.

Trước thực trạng cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, các thanh dàn gốc của Pháp đã bị han rỉ, cùng với sự xuất hiện của 20 trụ tạm và 9 trụ chống va thường xuyên làm tăng nguy cơ xói lở tại khu vực cầu. Mặt khác có những khu vực kết cấu rất khó tiếp cận để kiểm tra nên nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện giao thông luôn tiềm ẩn... Vì vậy, cầu Long Biên cần thiết phải được đầu tư cải tạo.

TEDI đã được Bộ GTVT giao nghiên cứu xây dựng phương án khôi phục cầu Long Biên, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của một số tư vấn nước ngoài trước đây và chuyển đổi thành dự án đầu tư theo qui định của Việt Nam, vừa qua đã báo cáo kết quả nghiên cứu với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan.

Dự án khôi phục cầu Long Biên được TEDI xác định rõ: sửa chữa triệt để nhằm bảo tồn khôi phục nguyên hình dạng ban đầu (hình dạng cầu trước năm 1965). Yêu cầu thông thuyền tương đương cầu Chương Dương đồng nghĩa với việc cầu Long Biên sẽ được nâng lên thêm khoảng 3m. Việc khôi phục cầu Long Biên sẽ được thực hiện song song với việc xây dựng cầu đường sắt trên cao đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, nên sau khôi phục cầu Long Biên sẽ chủ yếu dùng cho bộ hành, xe đạp và phương tiện công cộng (xe bus, taxi, xe con).

TEDI cũng đề xuất 2 phương án để sửa chữa cầu Long Biên đó là: Xây dựng khổ cầu có bề rộng 15,5m (gồm bề rộng phần dàn phía trong là 4,75m, phần cánh gà mỗi bên là 3,875m). Điểm mạnh của phương án này sẽ không làm tải trọng truyền lên trụ tăng lên quá nhiều, đồng thời do cánh gà không phình quá lớn nên kiểu dáng cầu sẽ giống với hình dạng trước năm 1965.

Phương án 2, sẽ thực hiện mở rộng dàn chủ để đảm bảo bố trí được hai làn xe ôtô chạy bên trong, phần cánh gà mỗi bên rộng 2,5m dùng cho xe máy và xe thô sơ. Về cấu tạo bản mặt cầu, kiến nghị sử dụng kết cấu bản trực hướng để giảm tải trọng truyền xuống trụ và giảm trọng lượng kết cấu dàn thép. Điểm mạnh của phương án này sẽ tạo mặt cắt ngang cầu, nhờ đó sẽ tách được ôtô và xe máy riêng rẽ, đồng thời, giúp tổ chức giao thông hợp lý hơn.

Tuy nhiên, theo đại diện phía TEDI, cách làm này sẽ khiến khối lượng sửa chữa và mở rộng mố trụ, dàn thép lên rất nhiều. Còn về đường và nút giao 2 đầu cầu, TEDI thiết kế theo nguyên tắc: Kết nối phù hợp với phương án cải tạo cầu chính; đảm bảo giao thông lên xuống cầu thuận tiện, an toàn; không ảnh hưởng tới tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên. Như vậy, nút giao phía Hà Nội có thể bố trí được đường xoắn ốc lên xuống; còn nút giao phía Gia Lâm, các xe từ cầu đi xuống có thể đi thẳng vào đường Ngọc Lâm, hoặc dọc theo bờ đê sông Hồng để đi về phía cầu Chương Dương…

Để dự án nhanh chóng được triển khai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thống nhất các nội dung cơ bản kết quả nghiên cứu phương án khôi phục cầu Long Biên, giao Bộ GTVT chỉ đạo phía tư vấn tiếp thu ý kiến các cơ quan chức năng, hoàn chỉnh phương án kỹ thuật.

Về nguồn vốn dự kiến thực hiện dự án sẽ vào khoảng 3.177,5 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn vốn vay từ phía Pháp và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (chiếm khoảng 15% tổng giá trị xây lắp). Tiến độ thực hiện hợp đồng EPC dự kiến khoảng 43 tháng không bao gồm thời gian lập dự án, trình duyệt, làm thủ tục vay vốn, đàm phán và ký kết hợp đồng.