Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ kiểm tra thông tin việc xây dựng nghĩa trang ở Tam Đảo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND do ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).

Sẽ kiểm tra thông tin việc xây dựng nghĩa trang ở Tam Đảo - Ảnh 1
Theo đó, trong khu đất với tổng diện tích thuộc phạm vi nghiên cứu khoảng 153ha, sẽ có diện tích hành lang cây xanh cách ly khoảng 47,5ha và đất dành xây công viên nghĩa trang là khoảng 105,5ha.
Cũng theo Tờ trình, nhà đầu tư của Khu công viên nghĩa trang nói trên là Công ty CP đầu tư Bình Minh Xanh, có địa chỉ tại số nhà H10, ngõ 132, phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Được biết, hiện trạng của khu vực trên đang là đất trồng rừng phòng hộ giao cho các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ nằm 2002, chủ yếu là trồng bạch đàn có cao độ tự nhiên từ 40-240m. Điều này đồng nghĩa với việc nếu dự án Khu công viên nghĩa trang được triển khai tại núi Ngang, sẽ có hơn 100ha rừng phòng hộ sẽ bị mất.

Theo tìm hiều của phóng viên, thống kê vào cuối năm 2015 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo có 3 loại hình đất rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Đáng chú ý, đất rừng phòng hộ của Tam Đảo chỉ có diện tích 537,66 ha. Ở góc độ khác, trên phạm vi toàn tỉnh, tính đến năm 2014, Vĩnh Phúc có khoảng 32,4 nghìn hecta đất lâm nghiệp, trong đó đặc dụng là 15,1 nghìn hecta, rừng sản xuất là 13,2 nghìn hecta và rừng phòng hộ là 4,0 nghìn hecta. Đáng báo động ở chỗ, so với năm 2010 thì đến năm 2014, đất rừng phòng hộ của Vĩnh Phúc đã biến động giảm 1016,12ha.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, nếu dự án xây dựng công viên nghĩa trang được thực hiện (lấy đi hơn 100ha) thì trên địa bàn xã Bồ Lý còn rất ít rừng phòng hộ hiện có.

Trong khi đó, theo Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND huyện Tam Đảo ghi rõ: Tại Tam Đảo hiện có 537,66ha đất rừng phòng hộ, trong đó rừng đặc dụng là 12.328,41ha. Đất rừng phòng hộ và đặc dụng của Tam Đảo vừa làm chức năng phòng hộ, vừa làm chức năng bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, trong những năm tới, cần nâng cao chất lượng và bảo tồn (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) trước nguy cơ khai thác của dân và xâm lấn trước một số công trình hạ tầng, du lịch trong kế hoạch mở rộng Tam Đảo 2 và khai thác khoáng sản”, bản Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo nhấn mạnh định hướng này.

Trong khi đó, đối với đất rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý, bản quy hoạch chỉ rõ: Xã Bồ Lý thuộc cụm xã tiểu vùng 2, là vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo mang đặc trưng điển hình của xã miền núi có độ dốc cao, kinh tế xã hội chậm phát triển nhưng lại có mức độ ảnh hưởng lan tỏa đến các xã xung quanh.

Trong các văn bản của UBND tỉnh và các cấp chính quyền đều thừa nhận dự án gặp phải sự phản đối của người dân.

Cụ thể, tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 04/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận: “… Cũng có một số nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang. Tuy nhiên, do nhân dân các địa phương chưa ủng hộ dẫn đến chưa lựa chọn được địa điểm và thực hiện dự án”.

Trước đó, tại Văn bản số 8771/UBND-CN1 ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận: “… Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do chưa được dự ủng hộ của nhân dân địa phương”.

Trao đổi với phóng viên về dự án dự án Khu công viên nghĩa trang, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đến hiện tại đơn vị này vẫn chưa nhận được văn bản gì của địa phương
Rừng phòng hộ này thuộc tỉnh xác lập, quản lý. Nếu triển khai dự án tại khu vực có rừng phòng hộ thì tỉnh Vĩnh Phúc phải có văn bản báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xin ý kiến thỏa thuận và phải có sự đồng ý của Bộ. Nếu chỉ có tờ trình dự án của đơn vị chủ đầu tư mà đã thông qua và thực hiện dự án là không đúng, ông Công khẳng định.
Một dự án muốn được chấp thuận, thực hiện phải tiến hành khảo sát, đánh giá tác động môi trường. Nếu việc chuyển đổi rừng phòng hộ với diện tích lớn thì phải trình xin ý kiến của Quốc hội. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định.

Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

1. Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

a) Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;

b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

2. Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;

b) Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.