Theo dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mở tài khoản, mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng nguyên liệu bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện bán vàng miếng.
Ảnh minh họa. (Ảnh Trần Việt/TTXVN).
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện mua, bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có thiết lập quan hệ mua bán với mình. Căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, cơ quan này mua và bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được sử dụng tiền cung ứng để mua vàng miếng bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước; quyết định phương án can thiệp thị trường. Dự thảo trên cũng xác định Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối nhà nước thông qua việc tuân thủ, cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước khi thực hiện mua, bán vàng miếng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng phương án mua, bán vàng miếng để can thiệp thị trường vàng tối thiểu bao gồm các nội dung sau: Thời điểm mua, bán; khối lượng vàng miếng mua, bán; cách thức thực hiện mua, bán; hình thức mua, bán; đối tượng thực hiện mua, bán; các mức giá mua, bán cụ thể phù hợp với từng cách thức thực hiện.
Về cách thức thực hiện, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn và quyết định cụ thể việc mua, bán vàng miếng trong từng lần giao dịch theo một trong các cách thức trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau Quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có 2 thông tư cụ thể, hiện đã xong dự thảo, để hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế.
Đây được xem là thông tin quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách giá vàng miếng trong nước so với giá vàng thế giới. Hiện tại, giá vàng miếng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới quy đổi khoảng 3 triệu đồng/lượng, sau khi đã lên mức 5 triệu đồng/lượng thời gian trước.