Chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội khóa 11 quyết định tại nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 với tổng chiều dài toàn tuyến đường: 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km; tuyến nhánh phía Tây dài 500 km).
Điểm đầu của tuyến đường: Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối của tuyến đường: Đất Mũi (Cà Mau). Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 8 làn xe. Nền đường và khoảng hai phần ba tuyến đường được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.
Quốc hội đồng ý đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.
|
Khi đó, Quốc hội yêu cầu đến năm 2010 đầu tư để nối thông đường từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe. Từ năm 2010 đến 2020 nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ.
Ở “Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11” vừa thông qua, nhiều đề nghị của Chính phủ đã được chấp thuận.
Theo đó, tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km, trong đó tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km.
Với điều chỉnh này, tuyến chính giảm 168 km, nhánh Tây tăng 184 km, tổng chiều dài toàn tuyến tăng 16 km.
Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe (giảm 2 làn xe).
Về phân kỳ đầu tư, Quốc hội đồng ý đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.
Sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
Về nguồn vốn đầu tư để thông tuyến vào năm 2020, nghị quyết nêu rõ, vốn trái phiếu Chính phủ tập trung cho các dự án thành phần cấp thiết do Quốc hội quyết định.
Vốn ODA và các hình thức đầu tư khác (BT, BOT, PPP) được sử dụng để hoàn thành các dự án thành phần còn lại.
Cơ cấu nguồn vốn và dự toán từng dự án thành phần do Chính phủ thẩm định, phê duyệt và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kế hoạch hằng năm.
Tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong hạn mức đã được phân bổ; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trước hết là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư và tính bền vững của công trình; phòng, chống tham nhũng, thất thoát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc giới theo quy hoạch để bàn giao cho các địa phương quản lý trước năm 2015 cũng là yêu cầu được nêu tại nghị quyết.