Sẽ xây dựng Chính phủ điện tử nhanh và tốt hơn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi cơ quan này được nhận nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ.

Phát huy tốt hơn vai trò của Bộ TT&TT
Tại Nghị quyết 69 về Phiên họp thường kỳ tháng 8/2019 mới được ban hành, Chính phủ đã dành riêng một mục để nói về việc xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó nhấn mạnh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chuyển nhiệm vụ trên từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm Phó Chủ tịch Ủy ban, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, chuyển nhiệm vụ Thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT.
 Cán bộ UBND quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục điện tử. Ảnh: Công Hùng
Theo Chính phủ, việc điều chuyển này sẽ giúp đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025”. Bên cạnh đó cũng phát huy tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực CNTT của Bộ TT&TT.
Tại Hội nghị giao ban ngành TT&TT quý III/2019 vừa diễn ra mới đây, khi nói về việc chuyển giao trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi khẳng định: Việc chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao hơn.
Cũng theo Bộ trưởng, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 1072 thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị với một số tỉnh đang giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương cho Văn phòng Ủy ban chuyển nhiệm vụ này về các Sở TT&TT đảm trách để thống nhất trên toàn quốc. Điều này cũng đồng nghĩa các Sở TT&TT sẽ có nhiều nhiệm vụ hơn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn.
Về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay vấn đề quan trọng đầu tiên là kết nối, từ xã/huyện/tỉnh phải kết nối được với T.Ư và không chỉ là kết nối văn bản mà còn là kết nối các hệ thống thông tin. Vấn đề thứ hai là phát triển dịch vụ công trực tuyến, trong đó chú trọng tới số lượng người dùng.
Với chuyển đổi số, Việt Nam dự kiến có 1.000 người là chuyên gia thường xuyên được đào tạo để làm hạt nhân. Tương tự, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử cũng cần thống nhất có bao nhiêu hạt nhân, chuyên gia về lĩnh vực này, có như vậy các địa phương mới làm được và cần tập trung đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đó, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.
Triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng
Được biết, bắt đầu từ 4/9/2019, Bộ TT&TT sẽ chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện các nhiệm vụ như: Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019; Chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa; Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ phụ trách phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Bộ cũng chịu trách nhiệm bảo đảm nền tảng kết nối an toàn tuyệt đối cho các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng được Chính phủ yêu cầu khẩn trương trình ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 2.0); thực hiện việc kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước với Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, đạt tiêu chuẩn về an toàn thông tin…
Về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, tính đến nay, đã vận hành được một số hệ thống như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, một số nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia... Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, DN để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phía Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT đã phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương, DN công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương.
Đối với Bộ Công an, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, TP trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, TP và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.
Mặt khác, các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019.

"Phương châm xây dựng Chính phủ điện tử là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Nếu người dân không dùng, DN, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí." - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) được Liên Hợp quốc công bố, hiện Việt Nam đang đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và thứ 6/11 quốc gia trong khu vực ASEAN.

Qua 3 kỳ đánh giá vào các năm 2014, 2016 và 2018, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức 0,47 năm 2014 lên mức 0,51 vào năm 2016 và đạt trên 0,59 vào năm 2018.