SEA Games 32: Chủ nhà siết chặt an ninh, Việt Nam nói không với doping

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, SEA Games 32 sẽ khởi tranh. Nước chủ nhà Campuchia đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị, trong đó việc đảm bảo an ninh, trật tự, y tế được đặt lên hàng đầu.

Yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự

Theo kế hoạch, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) sẽ diễn ra từ ngày 5/5 - 16/5/2023 tại 5 địa điểm trên đất nước Campuchia gồm Phnom Penh, Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep. Thỏ trắng sẽ là linh vật cho kỳ SEA Games 32, cùng khẩu hiệu "Thể thao: Sống trong hòa bình".

Nước chủ nhà Campuchia đã công bố 37 môn chính thức với 608 bộ huy chương được trao, trong đó có một môn biểu diễn là Teqball (kết hợp bóng bàn và bóng đá, chơi trên bàn cong). Đây là kỳ Đại hội thiết lập kỷ lục về số bộ huy chương được trao, vượt qua SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines với 530 nội dung thi đấu.

sea games
Chủ nhà Campuchia siết chặt công tác an ninh, trật tự tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú.

Việc thiết lập kỷ lục về số bộ huy chương buộc nước chủ nhà Campuchia phải có những tính toán trong việc khâu tổ chức. Trong đó, vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự, y tế cho các VĐV, khán giả các nước tới cỗ vũ được đặt lên hàng đầu.

Theo Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia tổ chức SEA Games 32  Vath Chamroeun, Ban Tổ chức bắt buộc phải lên kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự chặt chẽ. Trong đó lường trước mọi tình huống có thể phát sinh liên quan đến sức khỏe của các đoàn thể thao cũng như lượng khán giả có mặt tại Campuchia.

“Nước chủ nhà đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan đảm nhiệm công tác an ninh, trật tự để lập kế hoạch chi tiết bảo đảm an ninh, an toàn cũng như lên các kịch bản sẵn sàng công tác sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho đoàn thể thao các nước tham dự SEA Games 32.

Trách nhiệm chung là tạo ra một môi trường thân thiện, hiếu khách và an toàn cho tất cả đoàn đại biểu, VĐV, người hâm mộ tham dự sự kiện thể thao lịch sử này tại Campuchia” - ông Chamroeun khẳng định.

Được biết, nước chủ nhà Campuchia cũng kêu gọi tất cả cán bộ, cơ quan có liên quan đến công tác tổ chức phải bảo đảm an toàn và an ninh cao nhất cho tất cả những người tham gia. Theo thông tin từ giới chức Campuchia, nước chủ nhà sẽ triển khai hơn 20.000 nhân viên được đào tạo sẵn sàng bảo đảm an ninh, trật tự cho sự kiện thể thao này.

Theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Hoàng Yến, trong thời gian qua, đoàn cán bộ Việt Nam đã có dịp thăm và khảo sát một số địa điểm tổ chức thi đấu các môn nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của SEA Games 32.

"Đoàn đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang cũng như công tác siết chặt an ninh, trật tự" - bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết.

Đề cao vấn đề y tế và phòng, chống doping

Tại SEA Games 32, Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến tham gia tranh tài ở 31 môn thể thao (gồm 444 nội dung thi đấu) với khoảng 1.000 người, trong đó có hơn 700 VĐV và mục tiêu phấn đấu lọt vào top 3 trên bảng tổng sắp huy chương.

Theo nhận định, Đoàn thể thao Việt Nam được dự báo là gặp nhiều khó khăn tại SEA Games 32 vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có nguyên nhân nước chủ nhà không tổ chức một số môn thể thao Olympic như bắn súng, bắn cung, đua thuyền, cờ vua, thể dục dụng cụ, wushu, futsal, thể hình, kurash... Đây là những môn thể thao trọng điểm, thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam tuy không bị loại nhưng lại bị khống chế số lượng VĐV tham gia thi đấu.

Ngoài việc đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội thì vấn đề y tế cũng được đề cao, trong đó công tác phòng chống doping được là một trong những trọng tâm quan trọng được đặt lên hàng đầu.

Đoàn thể thao Việt Nam chú trọng phòng, chống doping tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú
Đoàn thể thao Việt Nam chú trọng phòng, chống doping tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú

Đặc biệt, thể thao Việt Nam buộc phải rút kinh nghiệm từ SEA Games 31 khi những VĐV của điền kinh “nhúng chàm”, điều này đồng nghĩa các đơn vị, bộ môn được yêu cầu quản lý sát sao VĐV.

Theo Giám đốc Trung tâm doping – Y học Thể thao Việt Nam (VADA) Nguyễn Văn Phú, nhằm kiểm soát chặt chẽ, định hướng tốt nhất cho các VĐV, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, cập nhật liên tục danh sách các chất cấm, VADA sẽ cử các cán bộ đồng hành cùng Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia để tuyên truyền, kiểm soát doping tới từng VĐV.

Đồng thời, tăng cường lực lượng y, bác sĩ về phục hồi, dinh dưỡng cho các VĐV. Qua đó hạn chế tới mức tối đa việc VĐV Việt Nam vi phạm tới các việc sử dụng các chất doping nằm trong danh mục cấm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương yêu cầu Tổng cục TDTT, các đơn vị có liên quan cần hết sức lưu ý, đặc biệt là việc VĐV có sử dụng thực phẩm bổ sung và phải thực hiện kiểm tra thường xuyên.

Trong đó, cần tăng cường bác sĩ cho các đội tuyển quốc gia về phục hồi sau khi tập luyện, tránh chấn thương không cần thiết, đặc biệt là thời gian cao điểm và các VĐV trọng điểm để hướng tới một kỳ SEA Games “sạch”.

Theo lịch thi đấu dự kiến của Ban Tổ chức Đại hội, môn khởi tranh đầu tiên của SEA Games 32 là bóng đá sẽ diễn ra vào ngày 29/4. Tiếp sau đó là các môn: Thuyền buồm (Sailing), Khúc côn cầu trong nhà (Hockey) sẽ bắt đầu từ ngày 1/5.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần