Sông Hàn nằm ở Seoul, chia thành phố ra thành 2 phần Nam - Bắc. "Kỳ tích sông Hàn" được dùng để nhắc đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Hàn Quốc sau chiến tranh, trở thành một quốc gia thịnh vượng. Cụm từ này còn được dùng để mô tả sự phát triển vượt bậc của Thủ đô Seoul.
Sau chiến tranh, 70% nhà máy, công trình công cộng của Seoul bị phá hủy. Vì vậy, ưu tiên trước hết là cần xây dựng lại cơ sở vật chất.
Một chiến dịch giải phóng mặt bằng ở các khu ổ chuột và quy hoạch các khu định cư được tiến hành. Từ năm 1966 đến 1970, chính quyền cải tạo các khu ổ chuột, xây dựng những căn hộ 4 - 5 tầng để thay thế công trình xuống cấp và tái tạo cảnh quan thành phố.
Các khu căn hộ đồng loạt mọc lên. Sự xuất hiện của tàu điện ngầm mới đã làm nên bộ mặt mới cho hệ thống giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố quyết định cải tạo và phát tiển về phía Nam, nhằm giảm bớt áp lực cho phía Bắc thành phố. Những cây cầu lớn được xây dựng để kết nối khu vực phía Nam và phía Bắc của thành phố như Chamshil, Tongjak, Yongdong.
Những năm 1970, khu Yeouido vốn có cơ sở hạ tầng kém phát triển, thường xảy ra ngập lụt được chuyển đổi thành một khu dân cư và thương mại của Seoul.
Quá trình mở rộng của thành phố được kèm theo những nâng cấp trong hệ thống giao thông vận tải công cộng. Đường tàu điện ngầm số 1 của Seoul hoàn thiện năm 1974, tuyến số 2 đến số 4 lần lượt mở vào các năm 1984 và 1985.
Một đường cao tốc được xây dọc theo bờ sông để nối sân bay Kimpo đến trung tâm thành phố. Đường tàu điện ngầm cũng được mở rộng. Các tuyến số 2, số 3 và số 4 tạo thành một hệ thống đi khắp trung tâm Seoul.
Trong thập niên 80 thế kỷ trước, chính phủ thúc đẩy dự án tái phát triển và đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt Seoul. Năm 1989, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục xây dựng 5 thành phố vệ tinh là Ilsan, Pundang, Sanbon, Pyongchon và Chungdong để giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở Seoul. Seoul không còn là một thành phố độc lập, mà là trung tâm của vùng mở rộng đô thị hơn 20 triệu người.
Từ một thủ đô nhỏ và ít được biết đến, này nay, Seoul đã trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Hiện nay, khu vực đô thị quanh Seoul hiện tập trung 84% cơ quan và tổ chức chính phủ, 88% của 30 công ty lớn nhất Hàn Quốc, và 65% trong số các trường đại học phổ biến nhất cả nước.