Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Serbia khẳng định sẽ không xem xét áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, gần 80% người dân nước này phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Tass
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 30/8 nói rằng chính quyền Belgrade sẽ không thay đổi quan điểm về việc thực thi các biện pháp hạn chế đối với Nga liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và đã khẳng định rõ quan điểm của mình thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cách đây gần 190 ngày. Đây là quan điểm nhất quán của chúng tôi và hiện tại chúng tôi không nghĩ đến việc thay đổi chính sách của mình bất chấp sức ép từ Liên minh châu Âu,” Tổng thống Vucic nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Serbia lưu ý thêm rằng những áp lực đối với Belgrade trong 6 tháng qua liên quan đến việc áp lệnh trừng phạt Nga rất lớn.

Tuy nhiên, Tổng thống Vucic khẳng định Serbia ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trong một bài phát biểu tại diễn đàn Globsec ở Bratislava gần đây, Tổng thống Vucic cho biết khoảng 77% người dân Serbia phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga.

Nghị viện châu Âu trước đó đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Serbia tham gia các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow, cũng như ký một thỏa thuận cải thiện quan hệ với Kosovo.

Trước đó, hôm 10/6 vừa qua, Tổng thống Vucic đã lên tiếng phản bác yêu cầu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về việc nước này phải tham gia các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Thủ tướng Scholz nói rằng với tư cách là ứng cử viên gia nhập EU, Serbia nên tham gia cùng khối trong các biện pháp chống lại Nga - điều mà tất cả thành viên bắt buộc phải tuân theo.

Ủy ban Đại diện thường trực EU ngày 20/7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 7 của khối nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm vận vàng. Cụ thể, theo gói trừng phạt mới, EU sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Bên cạnh đó, EU cũng bổ sung 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Trong đó, EU sẽ đóng băng tài sản của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Theo lãnh đạo EU, gói trừng phạt mới giúp việc thực thi các lệnh trừng phạt trước đó hiệu quả hơn và gia hạn các điều khoản đến tháng 1/2023.

EU liên tục đưa ra các gói trừng phạt chống lại Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hồi tháng 6, EU đã thông báo ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép với Nga thông qua việc chặn nguồn thu quan trọng của nước này từ ngành năng lượng.