Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt hơn quản lý an toàn thực phẩm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”, Hà Nội triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là mùa Hè đang đến gần.

Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Năm 2023, toàn TP thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra; đã kiểm tra 18.822 cơ sở, trong đó 2.776 cơ sở vi phạm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết: “Quan điểm chung của TP là phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm về ATTP, phải xử lý theo đúng quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.

Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra cần xử lý nghiêm các vi phạm, công khai các vi phạm để người dân biết. Sau xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, trong Tháng hành động, TP tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa Hè đang đến. Đặc biệt, ngành y tế chú trọng thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…

Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, không chỉ trong Tháng hành động mà xuyên suốt từng năm. Qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Liên quan đến công tác thanh kiểm tra trong Tháng hành động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bảo đảm thực chất; kiểm tra đột xuất, tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm, quá trình kiểm tra phải bảo đảm triệt để, qua đó có biện pháp xử lý. Các địa phương rà soát lại việc thiết lập và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân phục vụ công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Trong quá trình triển khai Tháng hành động, cùng với việc phát hiện, xử phạt, các đơn vị công khai vi phạm để có sức răn đe, các đơn vị cần truyền thông, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong kiểm soát, bảo đảm ATTP.

Để Tháng hành động mang lại hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho rằng, Ban Chỉ đạo công tác ATTP Hà Nội lưu ý việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt là hình thức kinh doanh online (trực tuyến). Hình thức kinh doanh này đang ngày càng phổ biến, lượng hàng kinh doanh, trong đó có thực phẩm, ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn và thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh trên cần được thay đổi để phù hợp.