Nhiều điều kiện sản xuất chưa bảo đảm
Tại chợ đầu mối phía Nam hiện có khoảng 700 hộ kinh doanh, tuy nhiên, chỉ 10 hộ có giấy chứng nhận hộ đăng ký kinh doanh. Hàng ngày, nơi đây lưu chuyển 300 – 400 tấn hàng hóa nông sản, trong đó, chủ yếu là trái cây, rau củ quả.
Tương tự, chợ đầu mối Minh Khai có tới 960 hộ kinh doanh, tuy nhiên, gần 200 hộ không đăng ký kinh doanh. Hiện mỗi ngày khu chợ luân chuyển 380 – 400 tấn hàng, chủ yếu là các loại rau, củ, quả.
Ghi nhận thực tế kiểm tra cho thấy, tại hai chợ đầu mối phía Nam và Minh Khai vẫn còn một số gian hàng kinh doanh xen kẽ trong các khu vực khác nhau. Đơn cử như hàng rau lẫn hàng thủy sản, hàng giò chả lẫn hàng thịt tươi sống…
Dù các khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ đều có nền bê tông, mái che, hệ thống thoát nước, tuy nhiên, tại nhiều vị trí hiện đã xuống cấp. Kết cấu mái che còn tạm bợ. Hiện, cả hai chợ đầu mối đều chưa có hệ thống thoát nước riêng, gây nên tình trạng ứ đọng nước thải thường xuyên…
Dù tại cả hai khu chợ, các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đều trang bị bàn inox, tuy nhiên trong một số công đoạn sơ chế, nhất là đối với thuỷ sản, trang thiết bị chưa bảo đảm. Phế phụ phẩm được thải ra nền chợ mà thiếu dụng cụ thu gom. Một số mặt hàng rau, củ, quả cũng được người dân phủ nilon, bao tải và đặt trên nền đất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, kết quả kiểm tra công tác xác nhận kiến thức, ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT mới đây cho thấy, số lượng các hộ ký kết tại chợ phía Nam chỉ đạt 500/700 hộ. Trong khi đó, chợ Minh Khai thậm chí vẫn tổ chức ký cam kết theo mẫu cũ (không theo Thông tư số 17). Đáng chú ý, cả 2 chợ đầu mối đều chưa tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết.
Kiên quyết xử lý hộ kinh doanh tự do
Hiện trạng cơ sở hạ tầng và công tác kiểm tra, giám sát tại hai chợ đầu mối đặt ra nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm. Dù đại diện Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam và Ban Quản lý chợ Minh Khai cho biết, đã phối hợp với ngành NN&PTNT cắt cử cán bộ trực 24/24 giờ để kiểm soát các mặt hàng được đưa vào buôn bán tại chợ, nhưng điều này vẫn chưa khiến người tiêu dùng thực sự an tâm.
Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm tại hai chợ đầu mối, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị hai quận và ban quản lý các chợ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhằm thay đổi nhận thức cho các hộ kinh doanh. Kiên quyết xử lý các hộ kinh doanh không đăng ký, xung quanh khu vực chợ, lấn chiếm vỉa hè lòng đường…
Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành theo Kế hoạch số 05/KH-UBND của UBDN TP Hà Nội theo phân công, phân cấp quản lý; tăng cường kiểm tra đột xuất, thực hiện hậu kiểm việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra việc ký cam kết của các hộ kinh doanh.
Đề phía Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng duy trì các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng nông sản hàng hóa tại hai chợ đầu mối. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tư vấn xây dựng các chuỗi liên kết, hướng dẫn nhận diện, lựa chọn sản phẩm, và kết nối cung cấp các nguồn hàng bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ.