Nhiều tồn tại, hạn chế
Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án chiếm 83%, theo diện tích là 86%. TP Hà Nội cũng triển khai lập, hoàn thành phê duyệt 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, cùng một khối lượng lớn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù… Trong đó, quy hoạch phân khu đô thị trung tâm tổng số gồm 38 đồ án với tổng diện tích trên 76.000ha đang được triển khai lập, phê duyệt theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một số tồn tại, bất cập đã nảy sinh như: Đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực... chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, xây dựng, sử dụng đất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Công tác lập, thẩm định quy hoạch đô thị đạt khối lượng lớn nhưng yêu cầu về tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo; Thực hiện phân cấp của UBND cấp huyện nhiều lúng túng; Triển khai thực hiện sau phê duyệt còn chậm, hạn chế nguồn lực và tính tập trung giữa hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, cải tạo chung cư cũ... khiến bộ mặt đô thị thiếu tính đồng bộ.
Một trong những vấn đề đáng chú ý trong công tác quản lý quy hoạch đó là việc điều chỉnh quy hoạch. Trên thực tế, pháp luật không cấm điều chỉnh quy hoạch nhưng quá trình điều chỉnh thiếu đi tính liên kết, đồng bộ dẫn tới việc điều chỉnh theo hình thức manh mún, làm ảnh hưởng đến tổng thể quy hoạch chung.
“Hệ lụy của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ, nhưng mục đích của điều chỉnh quy hoạch, ai có quyền điều chỉnh quy hoạch lại là câu hỏi. Tôi cho rằng, cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh, nhưng hiện nay, điều chỉnh manh mún. Mặt khác, khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội này lặng lẽ “biến mất”. Vì vậy, việc siết lại phải trên tư duy phát triển, tức là vẫn cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng phải quản lý chặt” - KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhìn nhận.
Công khai, minh bạch quy hoạch
Nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, Chỉ thị 14-CT/TU đã nêu rõ, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị và trật tự xây dựng là những công việc thường xuyên, quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác quy hoạch luôn phải đi trước nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển đô thị, nông thôn của Thủ đô.
Chỉ thị số 14-CT/TU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm Thủ đô đang thực hiện đồng bộ khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn toàn mới, đây được xem là bước đột phá nhằm phát triển Thủ đô nhanh, bền vững - TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
“Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch, Sở luôn quán triệt việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dự báo, có tính khả thi, bền vững trong tương lai, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch trong thời gian ngắn. Ngoài ra, chú trọng công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát, quản lý quy hoạch” - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, tất cả quy hoạch cần phải được công khai, minh bạch có sự tham vấn của cộng đồng dân cư, sau khi xây dựng được một đồ án quy hoạch tốt, các thiết kế đô thị mới chuẩn đảm bảo về kết nối hạ tầng, kiểu mẫu, chiều cao công trình...
“Ở nước ngoài, họ thành lập các nhóm cử tri, được chọn lọc để tham vấn cho công tác quy hoạch bởi không phải ai cũng có thể cho ý kiến. Công khai quy hoạch là công khai quy hoạch chi tiết để mọi người xem và hiểu chỗ nào là vườn hoa, trường học… Nếu chúng ta thực hiện được công khai như nước ngoài thì sẽ không có những hệ luỵ xảy ra” - KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.