Siết tiêu chuẩn diện tích phòng trọ: Cần căn cứ vào điều kiện thực tế

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng không quy định về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với phòng ở nên các chuyên gia cho rằng cần phải có quy định cụ thể về nội dung này, tránh tình trạng xây dựng tran lan làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và mỹ quan đô thị.

Nhiều bất cập

Anh Nguyễn Biên Cương, quê Hà Nam làm nhân viên lái xe vận chuyển hàng hóa cho một siêu thị trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), đang thuê phòng trọ tại ngõ 185 đường Kim Giang cho biết, gia đình anh có 4 thành viên (2 vợ chồng và 2 con nhỏ) đang ở trong một phòng trọ diện tích khoảng 13m2. Phòng trọ này được lắp đặt nóng lạnh, điều hòa, có gác xép, phòng tắm, vệ sinh riêng, giá thuê 2,5 triệu đồng/tháng.

Siết chặt quy định về diện tích phòng trọ cho thuê cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Ảnh: Mai Vân
Siết chặt quy định về diện tích phòng trọ cho thuê cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Ảnh: Mai Vân

“Mặc dù tiện nghi cơ bản được trang bị tương đối đầy đủ nhưng thực tế diện tích này hơi nhỏ so với nhu cầu sử dụng của gia đình. Tôi cũng đã tìm hiểu nhiều khu nhà trọ, hầu hết đều chỉ được xây dựng với diện tích từ 10 – 15m2. Với mức giá tiền cho thuê như vậy, gia đình tôi khó tìm được phòng trọ rộng hơn” – anh Cương chia sẻ.

Tương tự là trường hợp của Lê Thu Ngân (quê Thái Bình), sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế quốc dân, thuê trọ tại ngõ 42/197 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Ngân cùng 3 người bạn học cùng đang ở trong một phòng trọ cấp 4 rộng chưa đầy 10m2, lợp mái tôn, nhà vệ sinh sử dụng chung, cả khu có hơn chục phòng cho thuê. Hay như trường hợp của chị Trần Thị Ngà (quê Hưng Yên) làm nghề thu gom sắt vụ, cũng đang phải ở trong một phòng trọ rộng chừng 10m2 gần khu chợ đầu mối Long Biên cùng với 5 người khác. Mỗi tháng trừ các loại chi phí sinh hoạt, chị Ngà chỉ tiết kiệm được khoảng 4 – 5 triệu đồng nên không đủ điều kiện để thuê phòng trọ tốt hơn.

“Phòng trọ này chỉ có giá 1,2 triệu/tháng nhưng phòng tắm, nhà vệ sinh dùng chung cả khu. Vì gần chợ đầu mối nên xung quanh rác thải, nước thải rất nhiều nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn phải ra TP mưu sinh nên chúng tôi đành phải chấp nhận” – chị Ngà nói.

Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, công tác quản lý hoạt động kinh doanh nhà trọ tồn tại nhiều bất cập. Những khu nhà trọ được xây dựng tự phát không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, diện tích hay các tiện ích sinh hoạt mọc lên tương đối nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của sinh viên, người lao động.

Đơn cử như khu nhà trọ ngõ Văn Chương (quận Đống Đa), khu trọ chân cầu Long Biên gần chợ đầu mối (quận Long Biên) hay khu trọ ngõ 34 Hoàng Cầu (quận Đống Đa)... hầu hết đều chỉ được xây dựng cấp 4 lợp fibro xi măng hoặc mái tôn.

Bên cạnh việc không đảm bảo chất lượng, rất nhiều chủ nhà trọ còn cơi nới công trình, không tuân theo quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng. Nhìn chung, hầu hết các khu nhà trọ, đặc biệt là dành cho người lao động đều không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích phòng ở, khu để xe, mật độ xây dựng, lối thoát hiểm...

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thủ đô xảy ra nhiều vụ tai nạn ở khu nhà trọ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đơn cử như vụ hỏa hoạn tại khu nhà trọ số 79A, ngõ 18 phố Định Công Thượng (quận Hoàng Mai), khiến 3 người thiệt mạng vào đầu tháng 1/2022. Với thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần phải có quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn xây dựng phòng trọ cho thuê.

Quy định rõ diện tích xây dựng

Trước những bất cập về công tác quản lý hoạt động kinh doanh của các khu nhà trọ, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế.

HoREA cho rằng tại Thông tư số 20/2016/TT-BXD, quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, gồm diện tích sử dụng không được nhỏ hơn 10m2; phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ bảo đảm yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên; diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người.

Tuy nhiên, Thông tư 09/2021/TT-BXD thay thế Thông tư số 20/2016/TT-BXD không quy định cụ thể về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, mà chỉ quy định mang tính chất chung, thiếu quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, nhất là phòng trọ cho thuê. Chỉ duy nhất Quyết định số 2787/2021/QĐ-BYT của Bộ Y tế yêu cầu về điều kiện nhà trọ đảm bảo không nhỏ hơn 5m2/người.

“Chúng tôi đề xuất diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2 hoặc 15m2, chiều rộng thông thủy từ 2,4m; cao thông thủy thấp nhất 2,7m; diện tích sử dụng bình quân thấp nhất từ 5 – 7,5m2/người. Khu nhà trọ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung, tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn kết nối internet. Lối đi giữa hai dãy nhà trọ tối thiểu là 2m hoặc 2,2m” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói.

Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Văn Hoạt – chủ khu nhà trọ tại Tổ 24, phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình ông có hơn 10 phòng trọ cho thuê, chủ yếu phục vụ sinh viên và lao động tự do ngoại tỉnh. Hầu hết các chủ trọ cho thuê ở khu vực này đều xây dựng theo mô hình giống nhau, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn nêu trên thì gia đình sẽ phải phá dỡ, thiết kế lại như vậy sẽ rất khó khăn.

“Để xây dựng một khu nhà trọ khoảng 10 phòng thì chúng tôi phải mất bình quân từ 4 – 5 năm thu hồi lại vốn. Nếu quy định về tiêu chuẩn về phòng sinh hoạt chung và phương tiện nghe nhìn kết nối internet thì rất khó để thực hiện, nhất là khu vực diện tích kinh doanh nhỏ” – ông Hoạt chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty VNO Việt Nam Nguyễn Hồng Hải cũng cho rằng, nếu áp dụng tiêu chí xây dựng quá khắt khe không chỉ gây khó cho người đầu tư nhà trọ mà cả người đi thuê vì họ đa phần là người thu nhập thấp, không đủ tài chính để ở nơi cao cấp. "Nếu quy định càng chi tiết thì người làm nhà trọ sẽ khó đáp ứng hoặc nếu đáp ứng buộc phải tăng giá thuê, người thu nhập thấp khó tiếp cận" - ông Hải nêu quan điểm.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cần phải có quy định cụ thể về diện tích và tiện ích cơ bản đi kèm đối với việc xây dựng và kinh doanh phòng trọ cho thuê để công tác quản lý được chặt chẽ hơn. Đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, người thu nhập thấp và đảm bảo mỹ quan đô thị.

 

"Đã đến lúc cần phải rà soát lại tất cả, xác định khu vực nào được kinh doanh nhà trọ, Bộ Xây dựng cần có quy định rõ ràng về việc này. Không phải ai cũng xây nhà trọ cho thuê được, nếu không đảm bảo tiêu chuẩn không cho phép xây dựng nhà trọ. Nhà nước cũng cần xem lại những quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà trọ, nếu làm được việc này, sẽ hạn chế được rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra." - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam KTS Phạm Thanh Tùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần