Theo số liệu thống kê của LHQ, năm 1990 trên thế giới có 10 siêu đô thị, hiện tại có 33 siêu đô thị và đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 siêu đô thị nữa. Và đến năm 2050, sẽ có tới 2/3 dân số thế giới sống trong các đô thị. Bản thân dân số trong đô thị tăng nhưng đồng thời dòng người từ nông thôn đổ về đô thị cũng tăng.
|
Một góc siêu đô thị Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Internet. |
Hiện tại, Tokyo là siêu đô thị lớn nhất thế giới với 37 triệu dân, tiếp theo là New Dehli với 29 triệu dân, Thượng Hải với 26 triệu dân, Mexico City và Sao Paolo với 22 triệu dân. Những TP lớn như: Cairo, Mumbai, Bắc Kinh hay Dhaka hiện đã có xấp xỉ 20 triệu dân. Những siêu đô thị như thế này có số dân còn đông hơn cả dân số của không ít quốc gia trên thế giới. Xu thế chung là dân số trong các đô thị nói chung tiếp tục tăng, quá trình đô thị hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và càng ngày sẽ có thêm nhiều hơn siêu đô thị.
Dự báo, chiều hướng và triển vọng phát triển chung của đô thị trên thế giới như vậy đặt nhân loại trước câu hỏi nên mừng hay phải lo. Ở đô thị, người dân có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận được và cung ứng tốt hơn về giáo dục - đào tạo, về y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và điều kiện sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày. Môi trường sinh thái ở những vùng miền khác ít bị ảnh hưởng tiêu cực hơn. Nhưng dân đông trong đô thị và quy mô đô thị càng ngày càng lớn đặt ra những khó khăn thách thức lớn cho việc quản lý, quy hoạch và giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh. Thực tế cho thấy không phải siêu đô thị nào cũng thành công trong việc khắc phục những khó khăn và thách thức này. Bài toán về hài hòa và bền vững trong phát triển đô thị càng thêm nan giải.