Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Singapore tiết lộ thời điểm đạt đỉnh phát thải nhà kính

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong báo cáo đệ trình lên Liên Hợp quốc vào ngày 11/11, Singapore dự kiến lượng khí thải nhà kính sẽ đạt đỉnh ở mức 64,43 triệu tấn CO2 vào năm 2028, trước khi giảm dần.

Báo cáo cũng tiết lộ kế hoạch giảm thiểu khí thải của Singapore cũng như việc thực hiện các mục tiêu khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Trước đây, Singapore đã công bố kế hoạch đạt đỉnh khí thải vào giai đoạn 2025-2028, với mức phát thải ước tính cao nhất là 65 triệu tấn CO2 tương đương. Theo mục tiêu công bố vào tháng 10/2022, quốc gia này dự kiến sẽ giảm phát thải xuống khoảng 60 triệu tấn vào năm 2030 sau khi đạt đỉnh. Tuy nhiên, mốc thời gian cụ thể để đạt đỉnh phát thải đã chưa được xác định rõ cho đến khi có báo cáo lần này.

Singapore dự kiến lượng khí thải nhà kính sẽ đạt đỉnh ở mức 64,43 triệu tấn CO2 vào năm 2028. Ảnh: Lim Yao Hui
Singapore dự kiến lượng khí thải nhà kính sẽ đạt đỉnh ở mức 64,43 triệu tấn CO2 vào năm 2028. Ảnh: Lim Yao Hui

Báo cáo mới nhất của Singapore xác định năm 2028 là năm phát thải đỉnh điểm với điều kiện quốc gia Đông Nam Á này sẽ triển khai nhiều nỗ lực để giảm khí thải trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng, công nghiệp, và các quy trình sản xuất. Năm 2022, tổng lượng khí thải nhà kính của Singapore đạt 58,59 triệu tấn CO2, tăng nhẹ so với 58,29 triệu tấn năm 2021 và 53,87 triệu tấn vào năm 2020. Báo cáo cho biết Singapore sẽ đạt lượng phát thải 62,21 triệu tấn vào năm 2025, nhưng có thể giảm xuống còn 59,7 triệu tấn nếu sử dụng tín chỉ carbon.

Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia có thể sử dụng thị trường carbon quốc tế để đạt mục tiêu giảm khí thải. Điều này cho phép các quốc gia có lượng phát thải cao, như Singapore, mua tín chỉ carbon từ các quốc gia khác để bù đắp khí thải của mình. Do một tín chỉ carbon tương đương với một tấn khí thải nhà kính, nên khi mua các tín chỉ này, quốc gia phát thải nhiều có thể bù đắp lượng khí thải mà mình khó có thể giảm ngay lập tức. Singapore dự kiến sẽ sử dụng tín chỉ carbon để đạt các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, đến năm 2028, tổng lượng khí thải của nước này có thể được giảm từ 64,43 triệu tấn xuống còn 61,92 triệu tấn nhờ các tín chỉ carbon. Đến năm 2030, lượng phát thải dự kiến sẽ giảm xuống mức 62,51 triệu tấn CO2, sau đó tiếp tục đạt mục tiêu 60 triệu tấn đã cam kết.

Bà Melissa Low, nhà quan sát chính sách khí hậu và nghiên cứu viên tại Trung tâm giải pháp khí hậu của Đại học quốc gia Singapore (NUS), nhận định mốc thời gian năm 2028 là rất quan trọng vì nó cho thấy Singapore đã xác định được mục tiêu phát thải đỉnh gần sát mốc 2030. Theo bà Low, điều này có nghĩa là các ngành công nghiệp và năng lượng của Singapore sẽ có thời gian dài hơn để chuyển đổi và giảm khí thải, giúp quá trình này diễn ra một cách bền vững và ít gây xáo trộn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, bà Low cũng nhận định về việc Singapore sử dụng tín chỉ carbon để đạt mục tiêu biến đổi khí hậu. Hiện chưa rõ liệu các tín chỉ này sẽ được chi trả bởi chính phủ hay bởi các công ty chịu thuế carbon tại Singapore. Các công ty này có thể mua tín chỉ carbon quốc tế để bù đắp tối đa 5% nghĩa vụ thuế carbon. Tuy nhiên, nếu các công ty không mua đủ tín chỉ hoặc không đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, vẫn chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho các khoản tín chỉ thiếu hụt. Điều này cho thấy sự cần thiết của một cơ chế rõ ràng hơn trong việc áp dụng các biện pháp bù đắp khí thải.

Ngoài ra, bà Low lưu ý thị trường tín chỉ carbon quốc tế hiện còn nhiều tranh luận về việc sử dụng tín chỉ. Tại COP29, các quốc gia đang thảo luận về tính hợp pháp của việc chuyển nhượng tín chỉ nhiều lần và hiệu quả thực sự của các dự án giảm khí thải. Bà nhấn mạnh các nước mua tín chỉ, như Singapore, cần các biện pháp bảo vệ để đảm bảo tín chỉ carbon thực sự phát huy hiệu quả trong việc giảm thải.