Hội đồng thành phố Paris hôm 20/11 đã thông qua kế hoạch phát triển đô thị được kỳ vọng rất lớn, mang tên Quy hoạch Đô thị Địa phương (Plan local d’urbanisme, PLU), sau 4 năm thảo luận chuyên sâu và hơn 50.000 đề xuất công khai.
Kế hoạch được xây dựng trên 4 trụ cột: thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng số lượng nhà ở công cộng, thúc đẩy doanh nghiệp địa phương và bảo tồn di sản kiến trúc của thủ đô nước Pháp.
"Thách thức ở đây là đảm bảo rằng Paris vẫn là thành phố mà chúng ta muốn sống trong nhiều thế hệ tới", Thị trưởng Anne Hidalgo tuyên bố trước những tràng pháo tay các thành viên hội đồng thành phố sau khi kế hoạch được thông qua.
Theo kênh France24, PLU là một phần trong các mục tiêu hành động vì khí hậu giai đoạn 2024-2030 của Paris, với mong muốn đóng góp vào nỗ lực rộng lớn hơn của thành phố, để vừa đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, vừa giải quyết các thách thức xã hội.
Paris, dù là thủ đô đông dân nhất châu Âu, đã liên tục đánh mất cư dân trong thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health năm 2023, thành phố này cũng có nguy cơ tử vong do nắng nóng cao nhất trong số các thủ đô ở châu Âu.
Mở rộng không gian xanh
Một trong những sáng kiến chủ chốt của PLU là tạo ra 300 ha không gian xanh công cộng mới. Hiện tại, Paris chỉ cung cấp 8,6 m vuông không gian xanh cho mỗi cư dân, thấp hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10 m vuông.
Charles-Antoine Depardon, một trong những kiến trúc sư chủ chốt của kế hoạch và là cố vấn của Phó thị trưởng Paris Lamia El Aaraje, cho biết đây là một con số đầy tham vọng: “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho 50 ha trong các dự án tại cửa ngõ thành phố, với 100 ha khác ở các không gian công cộng, bao gồm cả đường phố được chuyển đổi thành vườn và sân trường”.
Ông Depardon cũng đề xuất cải tạo các bến tàu dọc theo sông Seine “thành các công viên thực sự”. Ngoài ra, Paris đặt mục tiêu mở khóa các không gian xanh hiện không thể tiếp cận được, chẳng hạn như các khu vườn lớn do các tổ chức tôn giáo sở hữu. “Một ví dụ là công viên Val-de-Grâce ở quận 5 – một không gian xanh rộng lớn hiện đang đóng cửa với công chúng, nhưng sẽ mở cửa trở lại nhờ PLU", nhà lập pháp này cho biết.
Thay đổi các ưu tiên về nhà ở
Một mục tiêu quan trọng khác của PLU là giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở đang rất cấp bách của Paris. Đến năm 2035, thành phố đặt mục tiêu đảm bảo 40% quỹ nhà ở là nhà công cộng, trong đó 30% dành cho nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng chênh lệch số lượng nhà ở giữa phía đông và phía tây của thành phố, các nhà phát triển ở "khu vực thiếu hụt nghiêm trọng" sẽ được yêu cầu phân bổ 50% các công trình xây dựng mới cho nhà ở xã hội.
Kế hoạch này ưu tiên các tòa nhà dân cư hơn là không gian văn phòng. Ở trung tâm và phía tây Paris, việc xây dựng các tòa nhà chỉ dành cho văn phòng sẽ bị cấm và các dự án mới vượt quá 5.000 m vuông sẽ được yêu cầu dành ra ít nhất 10% diện tích dành cho nhà ở.
“Đây là những gì chúng tôi gọi là sự đa dạng về chức năng", ông Depardon giải thích. "Giờ đây, bất kỳ sự cải tạo văn phòng nào ở Paris đều phải bao gồm một phần diện tích để ở".
Tuy nhiên, động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích từ các thành viên phe đối lập, những người cho rằng nó có thể cản trở sự phát triển bất động sản và đẩy giá bất động sản lên cao. Jean-Baptiste Olivier - ủy viên Hội đồng Paris và phó chủ tịch của nhóm cánh hữu Changer Paris, mô tả chính sách này là một cuộc tấn công vào tài sản tư nhân, đồng thời cảnh báo nó có thể làm giảm giá trị bất động sản và ngăn cản việc cải tạo nhà ở.
Cuộc chiến với nhà cho thuê ngắn hạn
Là một phần trong nỗ lực giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở, PLU cũng đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các dịch vụ cho thuê ngắn hạn như Airbnb.
“Nhà ở không chỉ khan hiếm hơn mà còn bị sử dụng sai mục đích", ông Depardon lập luận. "Những nơi ở chính đang trở thành ngôi nhà thứ hai hoặc nhà cho khách du lịch thuê ở".
Nhà lập pháp này cũng chỉ ra những hình mẫu trên thế giới như thủ đô Vienna (Áo), nơi nhà ở công cộng chiếm gần 60% quỹ nhà đất. “Đây là một thành phố luôn được xếp hạng là một trong những nơi tốt nhất để sống vì ở đó, nhà cửa không phải là vấn đề”, ông giải thích.
Cũng theo cố vấn phó thị trưởng Paris, từ năm 2025, sẽ không có chỗ nghỉ chân mới nào cho khách du lịch được phép hoạt động ở các quận chính, bao gồm các quận 1 đến 11 và Montmartre. Việc ưu tiên nhà ở công cộng, không thể cho thuê để ở ngắn hạn, sẽ hạn chế hơn nữa tác động của việc cho thuê nhà ngắn hạn lên thị trường nhà ở.
“Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho sự chuyển đổi bằng các quy tắc đầy tham vọng nhưng mang tính thực tiễn”, ông Depardon cho biết. “Kế hoạch này là một bước tiến lớn và chúng tôi mong muốn thấy được kết quả của nó trong 2 thập kỷ tới”.