Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sinh khí mới của Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 2024

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề "Đoàn kết với thanh niên chống tham nhũng: Định hình sự liêm chính của ngày mai", Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trẻ trong việc thúc đẩy tính minh bạch và xây dựng một tương lai công bằng.

Ngày 9/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng (viết tắt là IACD), được khởi xướng kể từ khi thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào ngày 31/10/2003.

Đây là sự kiện thường niên do Liên Hợp Quốc tổ chức, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan, đồng thời vinh danh những gương mặt chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ.

Tham nhũng không chỉ là vấn đề của một hay vài nước đơn lẻ, mà có thể xuất hiện ở mọi quốc gia trên thế giới, với quy mô ngày càng lớn và mức độ ngày càng phức tạp. Tham nhũng không chỉ làm giảm hiệu quả của các chính sách phát triển, mà còn gia tăng tình trạng bất bình đẳng, làm suy yếu các cơ quan nhà nước và gây ra nhiều vấn đề xã hội trầm trọng khác.

Chính vì thế, IACD được Liên Hợp Quốc lập ra để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Trong Công ước về phòng chống tham nhũng năm 2003, Liên Hợp Quốc đã bày tỏ "quan ngại về mức độ nghiêm trọng của các vấn đề và mối đe dọa từ tham nhũng đến sự ổn định và an ninh của xã hội, phá hoại các cơ quan và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức và công lý, đồng thời gây nguy hiểm cho sự phát triển bền vững và các quy định của pháp luật".

IACD được Liên Hợp Quốc lập ra để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Ảnh minh họa: CNBCTV18
IACD được Liên Hợp Quốc lập ra để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Ảnh minh họa: CNBCTV18

Liên Hợp Quốc cũng nêu rõ, các quốc gia phê chuẩn Công ước này phải có trách nhiệm "thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn... thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng... thúc đẩy toàn vẹn, trách nhiệm và quản lý tốt các vấn đề công cộng và tài sản công...”.

IACD 2024 đặt trọng tâm hướng tới giới trẻ  

Mỗi năm, IACD đều hướng tới những chủ đề khác nhau liên quan đến các vấn đề cấp bách trong cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn cầu. Chủ đề năm nay, với tên gọi: “Đoàn kết với thanh niên chống tham nhũng: Định hình sự liêm chính của ngày mai”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giới trẻ trong việc thúc đẩy thay đổi, tăng cường tính minh bạch và xây dựng một tương lai bắt nguồn từ sự liêm chính.

Theo Achim Steiner - Giám đốc Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), chủ đề IACD năm nay là lời nhắc nhở rằng tham nhũng đang làm suy yếu tiềm năng của thế hệ thanh niên đông đảo nhất lịch sử, với 1,9 tỷ người, chiếm gần 1/4 dân số thế giới, trong đó 90% sinh sống tại các nước đang phát triển.

"Điều này bao gồm việc tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục, việc làm, dịch vụ công và các cơ hội khác của thanh niên ngày nay. Tham nhũng cũng đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm, gây tác động sâu sắc đến quyền và nguyện vọng của các thế hệ tương lai", ông Steiner cho biết.

Chủ đề IACD 2024 hướng sự chú ý tới giới trẻ với khẩu hiệu: “Đoàn kết với thanh niên chống tham nhũng: Định hình sự liêm chính của ngày mai”. Ảnh minh họa: UNDP
Chủ đề IACD 2024 hướng sự chú ý tới giới trẻ với khẩu hiệu: “Đoàn kết với thanh niên chống tham nhũng: Định hình sự liêm chính của ngày mai”. Ảnh minh họa: UNDP

Dù bị ảnh hưởng đáng kể bởi tham nhũng, người trẻ cũng có tiềm năng trở thành những tác nhân mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi trong cuộc đấu tranh vì một tương lai bắt nguồn từ sự liêm chính. Bằng cách thúc đẩy tính chính trực và hành vi đạo đức trong vòng tròn xã hội của họ và thách thức nạn tham nhũng nhỏ ở cấp cộng đồng, giới trẻ có thể thúc đẩy những sự thay đổi có ý nghĩa.

Ngoài ra, thế hệ trẻ còn biết tận dụng ưu thế về công nghệ như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet, mạng xã hội cùng các ứng dụng khác để phát triển các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết nạn tham nhũng trên quy mô toàn cầu. Một ví dụ gần đây là chiến dịch #PasstheBaton được Chính phủ Iraq, Liên minh châu Âu và UNDP hỗ trợ.

Sử dụng các nền tảng như TikTok và Instagram, chiến dịch này đến nay thu hút hàng triệu người trẻ  tham gia vào các cuộc đối thoại về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khuyến khích họ "truyền cây gậy chỉ huy" của sự chính trực. Điều đó đã chứng tỏ tiềm năng của hoạt động chống tham nhũng trên môi trường số được thanh niên thúc đẩy.

“Chúng ta phải tích cực lắng nghe những người trẻ, vì ý tưởng hiện tại của họ có thể nắm giữ chìa khóa cho các giải pháp tốt nhất để chống tham nhũng và củng cố tính chính trực trong tương lai”, thông báo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) nêu rõ.

Chiến dịch chống tham nhũng #Passthebaton tại Iraq đến nay thu hút hàng triệu người trẻ tuổi tham gia. Ảnh minh họa: UNDP
Chiến dịch chống tham nhũng #Passthebaton tại Iraq đến nay thu hút hàng triệu người trẻ tuổi tham gia. Ảnh minh họa: UNDP

Giải quyết nạn tham nhũng không chỉ hướng tới một xã hội công bằng hơn, minh bạch hơn, mà còn giúp những cá nhân trẻ tuổi có cơ hội bình đẳng để đạt được ước mơ của mình. Nỗ lực này sẽ tạo dựng thêm lòng tin vào các thể chế và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo tích cực đóng góp vào việc tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo liêm chính trẻ tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ phá bỏ các cấu trúc thể chế tạo điều kiện cho tham nhũng, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn. Thông qua những hoạt động và cải cách tích cực, họ giúp tạo ra các thể chế chống tham nhũng và phòng ngừa các hành vi phi đạo đức.

“Những người trẻ có tầm nhìn rõ ràng và những ý tưởng sáng tạo cho một tương lai không tham nhũng. Chúng ta phải tạo chỗ đứng cho họ, lắng nghe tiếng nói của họ và lôi kéo họ vào quá trình này”, UNODC nhấn mạnh. “Bằng cách trao quyền cho thanh niên tích cực tham gia và giúp lãnh đạo các nỗ lực chống tham nhũng trong tương lai, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài”.

Do vậy, chủ đề Ngày quốc tế chống tham nhũng 2024 tập trung vào vai trò của thế hệ trẻ với tư cách là những người ủng hộ, nâng cao nhận thức về tham nhũng và tác động của nó đối với cộng đồng. Họ sẽ tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của mình và đề xuất các giải pháp sáng tạo để chống tham nhũng.

Giới trẻ Ukraine hưởng ứng chiến dịch phòng chống tham nhũng năm 2019. Ảnh: UNDP Ukraine
Giới trẻ Ukraine hưởng ứng chiến dịch phòng chống tham nhũng năm 2019. Ảnh: UNDP Ukraine

UNODC mong muốn “chủ đề sẽ khuếch đại tiếng nói của các nhà lãnh đạo liêm chính tương lai, cho phép họ bày tỏ mối quan tâm và nguyện vọng của mình, với hy vọng rằng lời kêu gọi của họ sẽ được lắng nghe và hành động”. Cơ quan này cũng cho biết: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu không có tham nhũng cản trở. Chỉ có đoàn kết, chúng ta mới có thể chống lại tham nhũng”.