Sinh viên Việt Nam khao khát viết tiếp câu chuyện đổi mới và kiến tạo tương lai
Kinhtedothi – Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII do Bộ GD&ĐT tổ chức đã truyền đi thông điệp: Khởi nghiệp không đơn thuần là một lựa chọn nghề nghiệp mà là cách mỗi học sinh, sinh viên học cách kiến tạo tương lai bằng chính đôi tay và khối óc của mình.
Trên 120 trường đại học có môn học Khởi nghiệp
Ngày 20/4, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025. Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã tóm tắt kết quả sau 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi.
Theo Thứ trưởng, hiện có trên 120 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn; đồng thời ban hành bộ tài liệu chuẩn về kỹ năng khởi nghiệp, giáo trình khởi nghiệp phù hợp với từng cấp học. Các cơ sở giáo dục đại học thành lập đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp, được đào tạo, tập huấn về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, công nghệ số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Việc xây dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các đơn vị xây dựng không gian sáng tạo khởi nghiệp, phát triển các chương trình ươm tạo doanh nghiệp, kết nối với các trung tâm khởi nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên và giảng viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
Tinh thần khởi nghiệp không còn là khẩu hiệu, mà thực sự lan toả và thấm sâu vào môi trường học đường – từ phổ thông đến đại học. Đến nay, hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ và trải nghiệm thực tế đang từng bước khơi dậy khát vọng lập thân, lập nghiệp cho học sinh.
Ở bậc đại học, 100% cơ sở giáo dục đại học đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 75% trường đã có không gian sáng tạo, 43% thành lập trung tâm khởi nghiệp, 100% các trường đều có hợp tác với doanh nghiệp và vai trò dẫn dắt của các doanh nhân...
Thực tiễn cho thấy, phần lớn các dự án khởi nghiệp thành công của học sinh, sinh viên trong những năm qua bắt nguồn từ hoạt động nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp căn cơ để hình thành thế hệ doanh nhân trẻ có tri thức, bản lĩnh, khả năng làm chủ công nghệ và sáng tạo không ngừng vì cộng đồng, vì đất nước.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định: sau 7 năm triển khai, Đề án 1665 không chỉ đơn thuần là một chương trình hành động trong ngành giáo dục, mà đã thực sự trở thành động lực, mắt xích quan trọng đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Thứ nhất, khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành một nội dung chính thức, hoạt động có định hướng, có kế hoạch, có hệ thống trong tất cả các cấp học, từ phổ thông đến đại học. Môi trường học đường đã trở thành "vườn ươm đầu đời" cho những ước mơ, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, tạo dựng văn hóa khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa tư duy doanh nhân trong toàn xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Đề án đã góp phần hình thành phong cách tư duy linh hoạt, đa chiều, tiếp cận vấn đề hiện đại, khả năng sáng tạo và đổi mới trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ số, công nghệ xanh.
Thứ ba, sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường đã tạo động lực để đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi tư duy quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục, đưa học sinh, sinh viên tiếp cận sớm hơn với công nghệ mới, với các mô hình kinh tế hiện đại.
Thứ tư, quá trình học tập, trải nghiệm và thực hành khởi nghiệp, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về kiến thức nền tảng, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản trị, lãnh đạo, khả năng thích ứng nhanh với thị trường lao động hiện đại.
Thứ năm, hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đã mở ra cơ hội kết nối sâu rộng, hội nhập mạnh mẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế; giữa nhà trường với doanh nghiệp; giữa học sinh, sinh viên với các chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Thứ sáu, những giá trị của Đề án 1665 không chỉ dừng lại trong trường học, mà còn đóng góp tích cực vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp năng động, thúc đẩy hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án vẫn còn không ít điểm nghẽn. Cụ thể, khởi nghiệp của người trẻ đôi khi mới chỉ dừng lại ở những ý tưởng mang tính sáng tạo trên giấy; sinh viên khởi nghiệp còn thiếu kiến thức, trải nghiệm, kỹ năng mềm. Việc tổ chức hoạt động khởi nghiệp mới thiên về phong trào, thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rào cản của khởi nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, muốn học sinh, sinh viên dám khởi nghiệp, dám đột phá thì trước hết, cần phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ở nhiều khía cạnh từ chính sách, môi trường, nguồn lực để nâng đỡ các em bước tiếp. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, giáo dục Việt Nam không chỉ "dạy chữ, dạy nghề", mà còn hướng tới ươm dưỡng tinh thần khởi nghiệp, khả năng giải quyết vấn đề, khát vọng công dân toàn cầu. Giai đoạn đột phá đang mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó mỗi học sinh, sinh viên sẽ không chỉ là người học, mà còn là người sáng tạo, khởi nghiệp và kiến tạo tương lai....", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Trích dẫn
Trong các ngày 18-20/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025. Trong khuôn khổ ngày hội có tổ chức các hội thảo: Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn, nghề nghiệp, việc làm; Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số; diễn đàn Cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân lĩnh vực công nghệ; vòng chung kết và trao giải Cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII (SV_STARTUP- lần thứ VII).

Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp ươm tạo “kỳ lân” công nghệ
Kinhtedothi – Để nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, giúp Việt Nam thực sự là trung tâm khởi nghiệp của khu vực, sản sinh ra nhiều “kỳ lân”, trong giai đoan tới, cần có nhiều chính sách đột phá hơn.

Bộ GD&ĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025
Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 06/2025 sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, áp dụng từ năm 2025 với nhiều điều chỉnh nhằm tăng cường tính minh bạch, công bằng và nâng cao chất lượng tuyển sinh.

Luật Thủ đô 2024: thông đường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Kinhtedothi - Với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để Luật phát huy tác dụng, bên cạnh sự chung tay từ chính quyền, sự chủ động của DN là yếu tố hết sức cần thiết.