Số ca cộng đồng trên cả nước liên tiếp tăng cao: Rất đáng lo ngại!

Hoàng Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bản tin tối 23/11, Bộ Y tế công bố 11.132 ca nhiễm mới, trong đó có 6.010 ca trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp cả nước có số F0 trong ngày liên tiếp tăng cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tuân thủ 5K nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Số ca nhiễm tăng cao tại 3 tỉnh

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 310 ca), Bình Phước (tăng 232 ca), Vĩnh Long (tăng 198 ca).
 Bản đồ về tình hình dịch Covid-19 trên cả nước tính đến 18h ngày 23/11.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 23/11 ghi nhận thêm 709 ca mắc mới; trong đó có 412 ca cộng đồng. Riêng TP Vũng Tàu có đến 216 ca cộng đồng. Đây là số lượng ca mắc nhiều nhất từ khi phát hiện F0 đầu tiên trên địa bàn tỉnh đến nay.

Trước tình hình đó, địa phương này đã đề ra một số biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, như: Đẩy nhanh việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc men, vật tư y tế nhưng phải đúng quy định; làm tốt hơn công tác tuyên truyền để người dân nhận thức, cảnh giác trong phòng dịch; tập trung xử lý sớm, triệt để ngay từ các khu phong tỏa hẹp, tranh để dịch bệnh lan rộng. Lãnh đạo địa phương kêu gọi và vận động đội ngũ y bác sỹ về hưu, sinh viên tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị chu đáo để thực hiện tốt việc điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và nơi làm việc…

Tại Bình Phước, vừa có thêm 508 ca nhiễm mới. Trong khoảng 1 tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận thêm 1.622 ca, tăng 428 ca so với tuần trước; trung bình ghi nhận 232 ca/ngày và thêm 16 ổ dịch mới. Trong đó có 9 ổ dịch chưa xác định được nguồn lây, chủ yếu tập trung trong khu công nghiệp thuộc các huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài.

Bình Phước hiện đang có nguy cơ dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình). Cấp huyện, có 9 địa phương có nguy cơ dịch ở cấp độ 2 và 2/11 huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao) là thị xã Phước Long và huyện Chơn Thành.

Có 24/111 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh - nguy cơ thấp); 62/111 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 2. Có 17 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 3; 8/111 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao)

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động phòng chống dịch phù hợp với mức độ nguy cơ về dịch bệnh của từng xã, phường, thị trấn theo quy định.
Tại Vĩnh Long, ngày 23/11 ghi nhận 505 trường hợp mắc mới, trong đó 284 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Đáng chú ý, có 43 trường hợp qua khám sàng lọc tại cơ sở y tế: Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long (16), BV Phổi Vĩnh Long (3), BV đa khoa Xuyên Á (10), TTYT Bình Tân (1), TTYT Nguyễn Văn Thủ (12), Phòng khám đa khoa Vạn Lộc (1).

Nhiều người dân còn chủ quan

Trong hơn 1 tháng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP (từ 11/10 đến nay), số ca nhiễm cộng đồng trên cả nước liên tiếp tăng cao. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước, vì chúng ta chấp nhận sống chung với dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm. Chứng tỏ người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt, đã có sự chủ quan”.
 Một điểm phong tỏa tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đây là điều đáng lo ngại, vì dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, dễ lây lan mạnh nếu không đề phòng. Vì hiện nay, đã có nhiều người được tiêm vaccine phòng Covid-19, nên có thể sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ không biết và đi lại trong cộng đồng, dễ lây nhiễm cho người khác. Đặc biệt, sẽ ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm, những người không thể tiêm chủng, người già… những đối tượng dễ bị nặng, tử vong.

Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thay đổi các thói quen để thích ứng với tình hình mới. PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch để vừa có thể phát triển kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh tốt, tránh nguy cơ đợt dịch sau bùng phát mạnh hơn đợt dịch trước. Việc tuân thủ 5K là rất quan trọng, tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh và lây lan cho gia đình, cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần