Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số ca mắc cúm tiếp tục gia tăng, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh bệnh cúm mùa đang có diễn biến phức tạp và số ca mắc ngày càng gia tăng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân chủ động biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Việc tiêm phòng vaccine, duy trì vệ sinh cá nhân và theo dõi sức khỏe kịp thời là những giải pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nặng lên do chủ quan

Nữ bệnh nhân N.T.T. (73 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, ho có đờm, đau họng và mệt mỏi. Trước đó 4 ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng cúm nhưng tự ý mua thuốc uống thay vì đi khám. Khi diễn biến bệnh nặng hơn, người bệnh mới đến Bệnh viện (BV) E khám và được chẩn đoán mắc cúm A bội nhiễm.

Không chỉ người cao tuổi hay người có bệnh nền, cúm còn có thể gây biến chứng nguy hiểm ở người trẻ khỏe mạnh. Trường hợp của nữ bệnh nhân N.N.P., (30 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ.

Bác sĩ Bệnh viện E khám cho bệnh nhân điều trị cúm.
Bác sĩ Bệnh viện E khám cho bệnh nhân điều trị cúm.

Trước khi nhập viện 4 ngày, chị P. xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, đau họng, ho có đờm, sổ mũi, đau mỏi người. Sau khi tự test cúm tại nhà cho dương tính, chị P. đã tự dùng Tamiflu trong 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng còn sốt cao và mệt mỏi khiến người bệnh phải đến khám tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BV E và được chẩn đoán mắc cúm B bội nhiễm.

Bác sĩ Đinh Thị Bích Thục - Khoa Bệnh nhiệt đới, BV E cho biết, thống kê từ tháng 1/2025, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 250 ca bệnh cúm các loại.

Tuy nhiên, thời gian từ sau Tết Nguyên đán 2025, số ca đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân/ngày mắc cúm. Cao điểm có ngày gần 40 người bệnh thì hơn 50% người bệnh mắc cúm.

Đáng chú ý, không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, hô hấp…) mà ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nếu chủ quan. Khoa Bệnh Nhiệt đới cũng đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 20 người bệnh mắc cúm các loại.

Bệnh nhân P.T.T., nữ 88 tuổi mắc virus cúm A được can thiệp kịp thời tại BV Nội tiết T.Ư.
Bệnh nhân P.T.T., nữ 88 tuổi mắc virus cúm A được can thiệp kịp thời tại BV Nội tiết T.Ư.

Tương tự, tại BV Nội tiết T.Ư cũng đã tiếp nhận số lượng người bệnh đến khám do mắc cúm tăng đột biến, trong đó có nhiều ca chuyển biến nặng do nhập viện muộn. Trong đó, Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Nội tiết T.Ư đã điều trị cho nữ bệnh nhân P.T.T. 88 tuổi mắc virus cúm A.

Cách vào viện 1 ngày, bệnh nhân sốt cao, ý thức chậm nên được đưa vào BV Nội tiết T.Ư. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, cúm A- đợt cấp suy thận mạn; đái tháo đường tuyp 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, suy tim, bệnh thận mạn giai đoạn 3, biến chứng thần kinh ngoại vi. Bệnh nhân có tiền sử cắt cụt 1/3 cẳng chân trái do bệnh động mạch ngoại biên.

Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, BV Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024. BV Nhi T.Ư, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, BV Lão khoa T.Ư cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Còn tại BV Đa khoa Hà Đông, 1 tháng qua đã tiếp nhận 80 ca cúm A.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 1/2025, TP ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 ca (6%) so với cùng kỳ năm trước. Các tác nhân gây bệnh chủ yếu là cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B.

Cách phòng tránh cúm mùa hiệu quả

Bác sĩ Dương Quốc Bảo – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm, BV Đa khoa Đống Đa cho hay, gần đây, một số trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi từ cúm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của căn bệnh tưởng chừng “quen thuộc” này.

Bệnh cúm không chỉ là một bệnh cảm lạnh thông thường mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người dân cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh cúm mùa hiệu quả.

Bệnh nhi nhiễm cúm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Bệnh nhi nhiễm cúm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Quảng – Phụ trách khoa Bệnh nhiệt đới, BV Nội tiết T.Ư, cúm A là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, bệnh có thể nặng lên nhanh chóng gây viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt trên các bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm…

Trước tình hình số ca mắc cúm mùa gia tăng trong thời gần đây, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia, BV Bạch Mai cảnh báo, cúm mùa có thể làm nặng lên các triệu chứng ở bệnh nhân suy tim và làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở cả người khỏe mạnh và bệnh nhân có bệnh nền tim mạch.

Người bệnh có suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, tăng huyết áp… cần cẩn trọng khi mắc cúm A
Người bệnh có suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, tăng huyết áp… cần cẩn trọng khi mắc cúm A

Để đề phòng bệnh cúm, bệnh nhân tim mạch nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm. Chuyên gia khuyến cáo, tiêm cho tất cả bệnh nhân tim mạch, kể cả người suy tim hoặc sau can thiệp mạch vành, bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh cơ tim.

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, Tamiflu có tác dụng khi sử dụng trong vòng 48 giờ từ khi có triệu chứng và có kết quả test dương tính với cúm A hoặc cúm B. Trẻ em cũng có thể được kê đơn sử dụng Tamiflu để điều trị bệnh cúm.

Mặc dù thuốc không làm giảm hoàn toàn các triệu chứng cúm nhưng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm và giảm thời gian trẻ bị cúm cũng như hạn chế nguy cơ mắc các biến chứng do cúm.

Về độ an toàn đối với trẻ thì Tamiflu đã được phê duyệt sử dụng vào năm 1999 để sử dụng cho trẻ em từ 2 tuần tuổi trở lên. Các tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ. “Tuy nhiên, việc cho trẻ uống Tamiflu cần theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý cho con uống thuốc, sử dụng Tamiflu bừa bãi khi chưa có chỉ định của bác sĩ” - bác sĩ Trần Thu Nguyệt cảnh báo.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, việc tiêm vaccine cúm hàng năm, giữ gìn vệ sinh cá nhân là những biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng. Nếu có triệu chứng nặng hoặc kéo dài, người bệnh nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, số ca mắc cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025 nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, các trường hợp mắc chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, không có dấu hiệu thay đổi về độc lực.