Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số cử tri đi bầu cử sớm ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 62 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, phá vỡ kỷ lục ở một số tiểu bang chiến địa quan trọng.

Kênh CBS News, dẫn dữ liệu từ Phòng nghiên cứu bầu cử của Đại học Florida (Mỹ) tại các tiểu bang Colorado, Georgia, Idaho, Michigan, Bắc Carolina và Virginia, cho biết tính đến ngày 31/10, ít nhất 62,7 triệu cử tri trên toàn nước Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, chiếm gần 40% tổng số phiếu bầu năm 2020.

Trong đó, tại bang chiến địa Georgia, quan chức phụ trách bầu cử Brad Raffensperger thông báo hơn 3,5 triệu người đã bỏ phiếu sớm, chiếm 45% số cử tri đã ghi danh — một con số cao kỷ lục. Ông Raffensperger cũng dự kiến ​​có tới 70% cử tri bang Georgia sẽ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử này.

Giáo sư Michael McDonald, Trưởng phòng nghiên cứu bầu cử tại Đại học Florida, cho biết số lượng lớn phiếu bầu sớm giúp các ứng viên tổng thống tập trung hơn vào các nỗ lực vận động cử tri của họ khi ngày bầu cử đang cận kề.

"Cứ mỗi cá nhân đi bỏ phiếu sớm đồng nghĩa với thêm một người được các ứng viên tổng thống gạch tên khỏi danh sách của mình, và cứ mỗi cử tri được gạch tên đồng nghĩa với việc các ứng viên không cần liên lạc với người đó thêm lần nào nữa," Giáo sư McDonald nói trên một podcast. 

Một địa điểm bỏ phiếu sớm tại bang Wisconsin (Mỹ). Ảnh: X
Một địa điểm bỏ phiếu sớm tại bang Wisconsin (Mỹ). Ảnh: X

Chiến dịch tranh cử của cả hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay đều khuyến khích việc bỏ phiếu sớm. Trong đó, Phó tổng thống Kamala Harris và Thống đốc bang Minnesota Tim Walz, hai ứng viên tổng thống và phó tổng thống của đảng Dân chủ, từ lâu đã tích cực vận động cử tri thực hiện phương thức này. Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden và cựu tổng thống Barack Obama đều đã đi bỏ phiếu sớm.

Về phần mình, cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, dù từng tỏ ra hoài nghi về tính minh bạch của việc bỏ phiếu sớm, đã chuyển sang chấp nhận phương thức này ở thời điểm hiện tại. Ông Trump và đội ngũ của mình nhiều lần đề nghị những người ủng hộ nên bỏ phiếu bất cứ khi nào họ muốn.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây ​​cho thấy Phó tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump đang bám đuổi sít sao ở các tiểu bang chiến địa có khả năng quyết định kết quả bầu cử trên toàn quốc. Theo số liệu thăm dò từ kênh CNN, tỷ lệ cử tri có khả năng bỏ phiếu muốn bầu ông Trump làm tổng thống là 48%, còn bà Harris là 47%. Ở bang Bắc Carolina, con số này là 48% với bà Harris và 47% với ông Trump.

Đa phần các tiểu bang này đều cho phép cử tri bỏ phiếu sớm.

Khoảng cách về giới tính

Cũng theo dữ liệu của 6 tiểu bang được Phòng nghiên cứu bầu cử của Đại học Florida tổng hợp, phụ nữ chiếm khoảng 55% phiếu bầu sớm, so với 45% của nam giới. Đảng Dân chủ hy vọng điều đó sẽ mang lại lợi thế cho ứng cử viên của họ, trong bối cảnh các cuộc thăm dò ý kiến gần đây đều ​​cho thấy Phó tổng thống Kamala Harris đều "ghi điểm" hơn cựu Tổng thống Trump đối với nhóm cử tri này.

Dựa theo số liệu phân tích của NBC News tại các tiểu bang Wisconsin và Michigan, đảng Dân chủ đang nhỉnh hơn một chút so với đảng Cộng hòa về số cử tri nữ mới ghi danh. 

Phía đảng Cộng hòa cũng khẳng định các khảo sát gần đây của họ cho thấy ngày càng đông người ủng hộ đảng này đi bầu cử sớm. Tại một buổi vận động cử tri hôm 30/10, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố "Đảng Cộng hòa đã lập kỷ lục cao nhất" về số phiếu bầu sớm.

Những khẳng định trên phần nào cũng có cơ sở, khi số liệu phân tích của NBC tại Wisconsin và Michigan cũng cho thấy đảng Cộng hòa đông gần gấp đôi đảng Dân chủ ở số lượng cử tri nam mới ghi danh.

Tuy nhiên, NBC News cho biết phân tích trên không bao gồm số lượng cử tri độc lập, nên dựa vào đó không thể suy ra giữa ông Trump và bà Harris, ai là người có nhiều phiếu bầu hơn. Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Michael McDonald nhận định vẫn rất khó để đưa ra dự đoán chính xác ở thời điểm hiện tại.