Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở GTVT Hà Nội: "Chưa có cơ sở" nói thất thu 20 tỷ đồng!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ vài ngày sau khi thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đưa ra kết luận chỉ ra những sai phạm trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa có văn bản số 1723/SGTVT-GTĐT báo cáo gửi cả Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải trình làm rõ những vấn đề được cho là còn tồn tại trong công tác quản lý,

Sở làm đúng quy trình cấp phép

 

Theo kết luận của thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị quản lý từ Sở Giao thông Vận tải, quận, phường vẫn còn nhiều tồn tại trong việc cấp phép trông giữ phương tiện chồng chéo, không đúng thẩm quyền quy định đã làm cho tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường diễn ra phức tạp.

Cụ thể, sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội, Thanh tra Bộ đã chỉ ra rằng, Sở Giao thông Vận tải cấp phép sử dụng lòng đường phố để đỗ xe ôtô trong khi chiều rộng lòng đường không đảm bảo theo quy định tại thông tư 04 của Bộ Xây dựng (quy định lòng đường hai chiều tối thiểu là 10,5m, lòng đường một chiều tối thiểu là 7,5m); cấp phép cả ở các tuyến phố cấm, tự ý cấp phép gần 10.000m2 gầm cầu vượt  cho các đơn vị trông giữ xe không xuất trình được quyết định của Uỷ ban Nhân dân thành phố theo quy định tại khoản 11 điều 10 thông tư 39/2011/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo vệ kết cầu hạ tầng giao thông đường bộ…

Giải trình cho những sai phạm đã được kết luận của thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định làm đúng quy định.

Cụ thể, về việc cấp phép tại gần cầu để trông giữ ôtô xe máy, Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc hình thành các điểm đỗ xe ôtô dưới gầm cầu vượt đã có từ trước Thông tư 39. Các gầm cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở, ngã tư Vọng… đều có văn bản cho phép của Ủy ban Nhân dân thành phố phù hợp khoản 11 điều 10 của Thông tư 39.

“Sở Giao thông Vận tải cấp phép tạm thời sau khi các đơn vị đảm bảo phòng cháy chữa cháy và có phương án tổ chức giao thông không ảnh hưởng đến giao thông chung,” ông Hùng cho biết.

Liên quan đến việc thanh tra Bộ nêu một số giấy phép sử dụng lòng đường để đỗ xe ôtô không đảm bảo theo quy định Thông tư 04 của Bộ Xây dựng, ông Hùng cho rằng, Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện đúng Thông tư 39 ngày 18/5/2011 của Bộ.

 

Theo ông Hùng, sau khi liên ngành Công an thành phố - Sở Giao thông Vận tải khảo sát đảm bảo an toàn giao thông, không ùn tắc giao thông, đã cấp giấy phép cho các đơn vị sau khi có đề nghị của chính quyền địa phương, để giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của nhân dân. Các giấy phép Sở cấp đều là tạm thời.

 

Đề cập đến việc cấp phép trông giữ xe trên các phố cấm, ông Hùng khẳng định: “Sở Giao thông Vận tải không cấp phép trông giữ xe trên các tuyến phố cấm trông giữ xe.”

 

Cụ thể, lòng đường Đinh Tiên Hoàng, chỉ cấp phép tạm thời tại bến xe điện bờ Hồ cũ phù hợp với quyết định 165 của Uỷ ban Nhân dân Hà Nội về quy hoạch giao thông tĩnh.

Trên phố Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật tại các vị trí đã thiết kế vịnh để đỗ xe (không phải lòng đường, vỉa hè, không ảnh hưởng đến giao thông) để giải quyết cho nhu cầu nhân dân và bệnh viện, phù hợp Quyết định 165.

Tại 34 – 38 Hai Bà Trưng, Sở cấp cho Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm điểm đỗ, dừng để các tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Tài chính (đây không phải điểm kinh doanh trông giữ xe).

 

"Chưa có cơ sở thất thu 20 tỷ"

Kết luận của thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra sai phạm kinh doanh vỉa hè từ tổ chức thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí liên quan đến khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố lộn xộn dẫn đến việc Nhà nước thất thu tới vài chục tỷ đồng/năm…

Phản bác lại vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định, Sở khi cấp phép tổ chức thu phí và lệ phí theo đúng quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Đối với Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ của thành phố, Sở Giao thông Vận tải thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố.

“Do vậy, các khoản thu phí phải nộp Sở Giao thông Vận tải đúng theo pháp luật. Việc thanh tra Bộ Giao thông kết luận thất thoát 20 tỷ đồng một năm là chưa có cơ sở,” ông Hùng đánh giá.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông cho rằng, trong quá trình thanh tra theo quyết định 729 của Bộ Giao thông ngày 6/4/2012, thanh tra Bộ mới chỉ làm việc với Sở một lần và chưa thu thập đầy đủ các hồ sơ, số liệu rất cần thiết liên quan đến việc ra kết luận thanh tra.

 

“Sở Giao thông Vận tải thấy rằng, việc này chưa phù hợp với Điều 30 Nghị định 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật thanh tra”, ông Hùng khẳng định.