Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở GTVT Hà Nội: Nhìn nhận toàn diện, tham mưu chính xác

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 17/1, Sở GTVT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tới dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, cùng đại diện Bộ GTVT cùng nhiều sở, ngành.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 

Một năm gian khó

Nhìn lại năm 2023, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, đây là một trong những năm khó khăn nhất của ngành GTVT cả nước; với Hà Nội, nhiệm vụ công tác còn nặng nề hơn, thử thách còn nhiều hơn.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) chịu tác động ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội bởi đại dịch Covid-19, năm 2023, thành phố đã hồi phục mạnh mẽ, nhưng vẫn còn chịu tác động ảnh hưởng nhất định, UTGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, năm 2023 cũng có nhiều nhiệm vụ mới quan trọng, được Thành Ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó phải kể đến: Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, hoàn thiện dự thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Trong bối cảnh khó khăn, mục tiêu nhiệm vụ nặng nề như vậy, Sở GTVT Hà Nội đã vượt lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò quản lý, điều hành tham mưu cho thành phố trong phát triển GTVT.

Năm 2023, Sở GTVT đã hoàn thành 629/645 nhiệm vụ được giao; tiếp nhận, giải quyết được 359/483 nội dung kiến nghị, đề xuất về tổ chức giao thông và đảm bảo ATGT của các quận, huyện, thị xã.

Thụ lý 374.097 hồ sơ thủ tục hành chính (234.503 hồ sơ nộp trực tuyến và 139.594 hồ sơ nộp trực tiếp). Trong đó đã giải quyết đúng hạn 373.896 hồ sơ; phê duyệt và ban hành 16.503 văn bản hành chính; tổ chức 418 cuộc họp để thảo luận chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; giải quyết được 36/39 đơn thư phản ánh.

Tổng thu ngân sách của Sở GTVT đạt 96,11%; giải ngân ước đạt 99,38% kế hoạch vốn; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,5%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn đạt 99,99%; tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 61,6%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, đến nay, tình hình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ, trong đó ngành GTVT Thủ đô đóng vai trò rất quan trọng.

“Với vai trò là lãnh đạo thành phố chỉ đạo trực tiếp cũng là người đồng hành cùng ngành GTVT Thủ đô trong thời gian qua, thay mặt UBND thành phố tôi ghi nhận và biểu dương những thành tích ngành GTVT Thủ đô đã đạt được cũng như sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Sở GTVT đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2023” - Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố phân tích, Sở GTVT Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt đã thẳng thắn, nhận diện toàn diện các vấn đề của ngành GTVT thông qua 8 chuyên đề. Làm rõ được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ đó đưa ra các giải pháp, đề xuất kiến nghị UBND thành phố nhằm giải quyết các khó khăn, tồn tại đã lâu.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường báo cáo tại hội nghị
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường báo cáo tại hội nghị

Đặt mục tiêu lớn hơn

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ, bước sang năm 2024, thành phố cũng như tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Sở GTVT đang hướng đến những mục tiêu lớn hơn vì một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Muốn phát triển trước hết Hà Nội phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và thông minh; kết nối thuận lợi, hiệu quả và an toàn cả về mặt hạ tầng giao thông và phát triển hợp lý các phương thức vận tải.

“Nhận thức được điều này, ngành GTVT Thủ đô xác định những gì đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng, phấn đấu liên tục mới có thể hoàn thành các nhiệm vụ trong những năm tới” - Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường nói.

Năm 2024, Sở GTVT dự kiến sẽ đạt được một số mục tiêu quan trọng như: nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên từ 22 - 25%; giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao (khoảng 4.903 tỷ đồng); không để UTGT kéo dài quá 30 phút, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên tất cả các tiêu chí.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi thường tiết lộ, ngoài 8 chuyên đề công tác của năm trước, năm 2024 Sở tiếp tục triển khai nhiều chuyên đề quan trọng khác, đặc biệt là chuyên đề chống UTGT trên địa bàn Thủ đô.  

Sở sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị về phát triển đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị (cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội vào năm 2035); đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ thị để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố, hoàn thành Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô; Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham mưu UBND thành phố cho phép Sở GTVT tổ chức triển khai ngay việc lập, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh Đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch và làm cơ sở cho việc định hướng phát triển ngành.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Sở GTVT
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Sở GTVT

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành GTVT Thủ đô vẫn đang tồn tại một số hạn chế, thách thức cần vượt qua trong thời gian tới.

Ví dụ như: tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, vận tải hành khách công cộng vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng UTGT trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, đến nay còn 33 điểm UTGT.

Tiến độ đầu tư các dự án giao thông khung của thành phố còn chậm, chưa đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa được khép kín, các tuyến đường hướng tâm đầu tư chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch, nhiều tuyến đường trong đô thị, liên kết ngang còn thiếu.

“Tôi cơ bản đồng tình với những phương hướng, nhiệm vụ mà Sở GTVT đã nêu. Bước sang năm 2024, Sở GTVT cần tiếp tục chủ động, bám sát tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đảng bộ thành phố, các chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố” – Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở GTVT làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho UBND thành phố trong việc đề xuất các chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện nhằm giúp cho ngành GTVT Thủ đô vượt qua những thách thức khó khăn hiện nay, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng, vận tải, đặc biệt chú trọng vào phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh.

Tiếp tục cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng.

Xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tiến độ, rõ hiệu quả của từng cấp, từng ngành, cá nhân, người đứng đầu trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.