Số hóa mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10, Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội”. Những câu chuyện thành công từ các mô hình đi trước được chia sẻ giúp DN có cái nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên   
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên   

Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả quốc gia.

Ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính. Ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới ''một tờ giấy khai sinh'' thì người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng. Nhưng phải là đi trước người khác thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng.

Tại Hội thảo, các tham luận đến từ những chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp đã thành công ứng dụng chuyển đổi số. Các ý kiến tập trung phân tích thực trạng và xu hướng chuyển đổi số trên thế giới, tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Giám đốc sản phẩm - Quản lý kinh doanh Công ty TNHH 1C Việt Nam Lưu Nhật Quang đã chỉ ra những thách thức của doanh số bán hàng tốc độ cao. Bởi chủ doanh nghiệp cần phải biết doanh thu từ marketing, và hiểu hành trình mua sắm của khách hàng từ nhận thức tới hành động; Chu kỳ bán hàng của doanh nghiệp dài và có tính cạnh tranh cao.

Theo ông Lưu Nhật Quang, năm 2023, 25% sẽ kết hợp tiếp thị, bán hàng thành một chức năng duy nhất. Đến năm 2025, 20% doanh thu B2C sẽ được tạo ra dựa trên các mô hình doanh thu định kỳ, dẫn đến thay đổi sâu sắc trong chiến lược tiếp thị, chi tiêu và kênh.

“Đến năm 2025, 60% các nhà tổ chức bán hàng B2B sẽ chuyển đổi từ kinh nghiệm/trực giác - bán dựa trên cơ sở bán hàng theo hướng dữ liệu, hợp nhất quy trình bán hàng, ứng dụng, dữ liệu và phân tích thành một hoạt động thực hành duy nhất” – ông Lưu Nhật Quang thông tin.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Thay đổi tư duy hành động

Trước thực tế đó, bất kỳ tổ chức bán hàng tương lai nào cũng cần phải có những khả năng này. Đơn cử, siêu tự động hóa, khả năng mở rộng kỹ thuật số để thu hút khách hàng trên nhiều điểm tiếp xúc với tốc độ nhanh; trí tuệ nhân tạo sẽ giúp doanh nghiệp ra quyết định dựa trên dữ liệu dẫn đến trải nghiệm siêu cá nhân hóa.

Với kinh nghiệm của mình, ông Lưu Nhật Quang đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần xác định muc tiêu, tầm nhìn trung thực đáng tin cậy với trạng thái kết thúc rõ ràng; Thiết lập lộ trình để đạt được mục tiêu và phân công các bên liên quan chịu trách nhiệm cho từng bước; Chia dự án thành các phần nhỏ, lớn và thực hiện; Đánh giá hiệu suất so với các mục tiêu cho từng bước và thực hiện các thay đổi cần thiết một cách nhanh chóng...

Chỉ ra những kết quả, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, TP Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội - nơi ươm tạo các dự án khởi nghiệp lĩnh vực CNTT của TP được thành lập từ tháng 1/2017 đến nay, đã ươm tạo thành công 3 khóa với 24 dự án khởi nghiệp đủ năng lực phát triển trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.

''6 dự án đã kêu gọi được vốn đầu tư và hiện đang ươm tạo khóa thứ 4 với hơn 20 hồ sơ dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham dự, trong đó có 9 dự án được vào vòng ươm tạo chính thức. Tôi mong muốn các bạn sẽ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo để thực sự trở thành doanh nghiệp trong top đầu ứng dụng chuyển đổi số thành công" - ông Nguyễn Tiến Sỹ lưu ý.

Để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng những thiết bị công nghệ số, mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

“Các câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ công đoạn trung gian, rườm rà” - ông Nguyễn Tiến Sỹ khuyến nghị.

 

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội” nhằm hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt được công nghệ mới, rút ra được những kinh nghiệm từ những bài học thực tế của các doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần