Số hóa ngân hàng, giải pháp cung cấp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Với những kinh nghiệm đa dạng, các thị trường quốc tế, nhóm Công tác Ngân hàng mong muốn được hỗ trợ NHNN và Chính phủ Việt Nam thúc đẩy Fintech, các giải pháp tài chính toàn diện và ngân hàng điện tử tại Việt Nam” ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam - đại diện nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ.

Việt Nam đang là tâm điểm trong khu vực về thu hút đầu tư FDI nhờ kinh tế phát triển ổn định, chi phí lao động cạnh tranh. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục phát triển mạnh kinh tế trong nước, cải thiện chuỗi giá trị, nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu là điều cấp bách đối với Việt Nam. Ông Hải cho rằng hệ thống ngân hàng hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và cải thiện chuỗi giá trị. Và để tạo thuận lợi cho dòng vốn FDI mới chảy vào Việt Nam thông qua việc hướng dẫn tiếp cận thị trường, phục vụ nhu cầu trong chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam, quản lý dòng tiền và chuyển lợi nhuận, cung cấp cho các DNNVV các giải pháp tài chính hiện đại để hỗ trợ các DN này tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) đề xuất một số các dịch vụ quản lý dòng tiền hiện đại.
Đại diện BWG phát biểu: Tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do khu vực và hội nhập sâu hơn vào các nền kinh tế khu vực, chúng tôi rất vui mừng với việc Chính phủ ban hành về Chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt tới năm 2020 và quyết định của Thống đốc NHNN Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo Fintech. Số hóa đã và đang là một xu hướng toàn cầu, có tác động tích cực làm tăng hiệu quả, mở rộng phạm vi tiếp cận và giảm thiểu chi phí. Nó tạo cơ hội cho các nước phát strieenr công nghệ và lĩnh vực tài chính bằng cách tạo ra Hệ thống sinh thái Fintech. Nhằm đẩy mạnh chương trình số hóa tại Việt Nam, nhóm BGW đề nghị Chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật, các chính sách về công nghệ, hệ thống và các nhà cung cấp dịch vụ, để giải quyết các vấn đề về quyền bảo mật, an ninh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và tạo dựng một sân chơi bình đẳng, đồng thời đưa ra các quy định phù hợp và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết để khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo BWG, để thúc đẩy phát triển ngân hàng điện tử và Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đỏi hỏi tư duy làm luật mới để tạo ra một hành lang pháp lý cho phép khách hàng có thể giao dịch với ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, thay vì phải đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng truyền thống, cho phép ngân hàng được kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước công dân của Chính phủ và các trung tâm thông tin tín dụng để có thể nhận biết khách hàng và phân tích lịch sử tín dụng của khách hàng trực tuyến. Đồng thời hệ thống hóa tòa án và các cơ quan tư pháp phải công nhận các chứng từ điện tử, dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử… giảm thiểu đến mức tối đa các giấy tờ giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng.
“Hiện nay Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp rất mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng điện tử và Fintech như Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc , Mỹ… Với những kinh nghiệm đa dạng, các thị trường quốc tế, nhóm mong muốn được hỗ trợ NHNN và Chính hủ Việt Nam thúc đẩy Fintech, các giải pháp tài chính toàn diện và ngân hàng điện tử tại Việt Nam”, ông bày tỏ.
Cũng theo đại diện BWG, trong chương trình đẩy mạnh số hóa và giảm chi phí bằng cách áp dụng Hải quan điện tử và nộp thuế điện tử, nhóm kiến nghị NHNN, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan thực hiện đánh giá tổng thể và rà soát những trở ngại trong quy định hiện hành về thanh toán và ngoại hối để điều chỉnh đồng nhất với Quyết định 33/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hải quan điện tử, loại bỏ các yêu cầu chứng từ không cần thiết, cho phép tự động hóa toàn phần hệ thống thanh toán kết nối hải quan điện tử và nộp thuế điện tử giữa các ngân hàng, hải quan, cơ quan thuế và DN.
“Với tư cách là những ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau, Nhóm Công tác Ngân hàng cam kết song hành, hợp tác với NHNN và các bộ ngành liên quan để nhanh chóng đưa ra những hành động kip thời hỗ trợ Chính phủ đạt được mục tiêu về tăng trưởng GDP, tăng năng suất, giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình Tài chính Toàn diện phục vụ người tiêu dùng, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các Tập đoàn trong và Chính phủ trong nền kinh tế”, ông Hải phát biểu.
Ông Phạm Hồng Hải bày tỏ, nhóm Công tác Ngân hàng, với 30 thành viên là các ngân hàng nước ngoài có mặt đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ cảm kích sâu sắc, đánh giá cao những thành tựu của Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cơ cấu ngành, ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu và sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng. Đồng thời chia sẻ, sắp tới NHNN Việt Nam và Nhóm Công tác ngân hàng sẽ tăng cường hợp tác và lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp cấp cao định kì nhằm cập nhật về tình hình thị trường, trao đổi và tham vấn các vấn đề vĩ mô, các vấn đề liên quan tới chính sách điều hành.