Bảo vệ quyền lợi người sản xuất và tiêu dùng
Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của T.Ư, thời gian qua, hoạt động KH&CN của Hà Nội được Thành ủy, HĐND, UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. KH&CN ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về KHCN&ĐMST của cả nước.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu UBND TP về sở hữu trí tuệ, thời gian qua, Sở KH&CN Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo chuyển biến trong nhận thức và công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 5508/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND TP về việc phê duyệt đơn vị tổ chức chủ trì, kinh phí và thời gian thực hiện dự án Sở hữu trí tuệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2019 -2020, 22 dự án đã được ký hợp đồng và thực hiện.
Đến ngày 6/12/2021, các dự án đã hoàn thành các nội dung theo thuyết minh và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 18 văn bằng bảo hộ gồm: Rau an toàn Yên Nghĩa – Hà Đông; hoa Đan Phượng – Đan Phượng; rau an toàn Chúc Sơn – Chương Mỹ; rau an toàn Xuân phú – Phúc Thọ; gạo Đỗ Động – Thanh Oai; khoai tây Hương Ngải – Thạch Thất; rau an toàn Đông Cao – Mê Linh; bưởi đỏ Đông Cao – Mê Linh; bưởi Nam Phương Tiến – Chương Mỹ; thanh long ruột đỏ - Ba Vì; sản phẩm chăn nuôi Phương Đình - Đan Phượng; nấm Đan Phượng – Đan Phượng; trứng vịt Đông Lỗ - Ứng Hòa. Các sản phẩm từ thịt lợn – Phúc Thọ; dược liệu Sóc Sơn – Sóc Sơn; dược liệu và thuốc Nam – Ba Vì; mật Ong Tản Viên – Ba Vì.
Bên cạnh đó, Sở đã trình UBND TP cho phép sử dụng 21 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, góp ý và hướng dẫn trình tự và thủ tục cho phép sử dụng địa danh theo Quyết định của UBND TP về xây dựng thương hiệu cho làng nghề được công nhận.
Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công tác hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn. Đặc biệt, trong năm 2020, Phòng quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) đã phối hợp với các địa phương tổ chức 18 lớp đào tạo tập huấn phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của địa phương với 1.260 người tham dự.
Sau nhiều khâu khảo sát, đánh giá, kiểm định khắt khe, đến cuối năm 2021, sản phẩm khoai tây Hương Ngải (Thạch Thất) đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đây là điều kiện quạn trọng để sản phẩm mở rộng thị trường.
Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Hương Ngải (Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban phấn khởi cho biết, tổng diện tích trồng khoai tây của HTX là 30ha, sản lượng trung bình hàng năm khoảng 200 tấn. Khoai tây Hương Ngải đã tạo dựng được thương hiệu, tuy nhiên người tiêu dùng thường nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Vì vậy, việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể góp phần làm tăng khả năng nhận diện, nâng cao giá trị, uy tín trên thị trường. Hiện sản phẩm đã được nhiều chuỗi siêu thị lớn trên địa bàn TP đặt hàng.
Sóc Sơn cũng là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân, việc xây dựng thành công nhãn hiệu sẽ tạo tiền đề quan trọng để địa phương thu hút DN đầu tư tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, sản phẩm của địa phương tiếp tục khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.
“Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể không chỉ góp phần mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho người nông dân địa phương, mà qua đó còn cụ thể hóa đề án “Mỗi xã một sản phẩm” mà TP Hà Nội đang tích cực triển khai” – ông Nguyễn Ngọc Tân khẳng định.
Nhiều giải pháp phát triển sở hữu trí tuệ
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2005. Đến nay, Chương trình đã triển khai qua 3 giai đoạn (2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020). Từ những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 2205/QĐ-TTg, ngày 16/7/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3567/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn lực về sở hữu trí tuệ; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với thực tiễn của TP.
Với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP, Sở KH&CN Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.
Giải pháp trọng tâm thứ nhất là tiếp tục tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn lực thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ và cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ cho các tổ chức khoa học, công nghệ, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, đẩy mạnh việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương, chương trình sẽ thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ... Thứ năm, phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông qua hoạt động kiểm soát, quản lý và sử dụng các sản phẩm tài sản trí tuệ…
Song song với hoạt động xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chủ lực địa phương, hàng năm, Sở KH&CN đã phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm được gắn nhãn sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới TP và các ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các DN, tổ chức các bước trong việc lập hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP.
Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường.
Có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, việc bảo vệ phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022; tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Đinh Hữu Phí